Thứ năm,  19/09/2024

Hướng dẫn biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ thịt lợn

Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, để giảm áp lực về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ đó giảm số lượng lợn bệnh bị tiêu hủy, giảm tổn thất về kinh tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa đưa ra hướng dẫn số 3708/ HD-BNN-TY hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Hướng dẫn biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ thịt lợn

Bộ NN-PTNT vừa đưa ra hướng dẫn số 3708/ HD-BNN-TY hướng dẫn một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi

 

Theo Bộ NN-PTNT, từ 28-5, cơ sở được phép giết mổ gồm hai loại: Cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định. Cơ sở giết mổ lợn tập trung trong vùng dịch được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF từ cơ sở chăn nuôi lợn ở trong vùng dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh.
Lợn được vận chuyển, đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm theo quy định của Luật Thú y và các văn bản liên quan; không vận chuyển lợn đến các điểm thu gom tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đối với lợn xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF trước khi vận chuyển đến cơ sở giết mổ. Cơ sở thu gom được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau mỗi lần thu gom; chất thải, nước thải được xử lý bảo đảm không lây lan mầm bệnh.

Trường hợp lợn có nguồn gốc từ tỉnh khác vận chuyển đến cơ sở giết mổ, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh ASF, lợn phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định của Bộ NN-PTNT.

Sản phẩm từ lợn sau giết mổ phải xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF và được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng theo quy định, để tiêu thụ trong và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, trước khi vào và ra khỏi cơ sở giết mổ lợn.

Đối với cơ sở giết mổ lợn tập trung ngoài vùng dịch, trường hợp lợn được đưa vào cơ sở giết mổ có nguồn gốc từ vùng dịch, phải là lợn khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF từ cơ sở chăn nuôi lợn ở trong vùng dịch. Trường hợp lợn được đưa vào cơ sở giết mổ có nguồn gốc ngoài vùng dịch sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y.

Đối với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong vùng dịch, được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khoẻ và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF từ cơ sở chăn nuôi lợn ở trong vùng dịch và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh.

Lợn được đưa vào giết mổ phải bảo đảm theo quy định của Bộ NN-PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Lợn được vận chuyển bằng phương tiện theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Thú y, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y từ cơ sở chăn nuôi trực tiếp đến cơ sở giết mổ; không vận chuyển lợn đến các điểm thu gom tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Sản phẩm từ lợn sau giết mổ được vận chuyển bằng phương tiện theo quy định và phải lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm âm tính với mầm bệnh ASF để tiêu thụ. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, trước khi vào và ra khỏi cơ sở giết mổ lợn…

Theo Nhandan