Thứ năm,  19/09/2024

Làm chủ nền kinh tế số giúp duy trì động lực tăng trưởng

Ngày 29/5, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2019. Các chuyên gia đưa nhận định, mức tăng trưởng GDP 6,81% là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018. Tuy nhiên để duy trì được động lực, Việt Nam cần phải làm chủ được nền kinh tế số.

Các chuyên gia tại Hội thảo công bố báo cáo. 

 

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2019: Kịch bản thứ nhất với tăng trưởng kinh tế 6,56% và lạm phát là 4,21%. Kịch bản thứ hai với tăng trưởng kinh tế 6,81% và lạm phát là 4,79%.

Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội là nền tảng cho phép cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước phát triển và diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển.

Có sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu, thay đổi cấu trúc thị trường và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó nhưng sự chuẩn bị còn thiếu đầy đủ.

Báo cáo đã đi sâu đánh giá và nhận định tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam. Tại kịch bản thứ nhất dự báo tăng trưởng của nền kinh tế ở mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra.

Lí do là có thể các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.

Việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang hai thị trường lớn này không phải là điều dễ dàng, vì có nhiều sự cạnh tranh từ các nước khác.

Kịch bản thứ hai khả thi hơn với mức tăng trưởng GDP 6,81% nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích, khối doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình trên lĩnh vực thương mại quốc tế. Điều đó được thể hiện trong quý I/2019 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao hơn của khối doanh nghiệp FDI. Đây là điều khác biệt so với xu thế nhiều năm trước khi doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước.

Về mức giá chung, lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4-5%. Trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.

Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục kiểm soát chặt chi thường xuyên, minh bạch và tránh lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công. Đối với lĩnh vực phân bổ ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật cần được xây dựng theo hướng đánh giá kết quả đầu ra và hiệu quả cuối cùng của chi tiêu công chứ không chỉ tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát đầu vào và kiểm soát quy trình, thủ tục.

“Khối doanh nghiệp tư nhân, ngoại trừ một số phát triển dựa trên các quan hệ thân hữu, thì đa phần còn lại chưa thực sự lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách để thật sự vận hành một nhà nước kiến tạo phát triển”, đại diện VEPR thẳng thắn phân tích.

Ông Nguyễn Đức Thành nhận định, tăng trưởng nhanh và thay đổi cơ cấu trong những thập kỷ qua đã giúp Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, con đường đi lên từ vị thế thu nhập trung bình thấp đến vị thế thu nhập cao khá khó khăn. Do đó, nếu làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Theo Chinhphu