Thứ tư,  18/09/2024
Khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống

LSO- Theo cơ quan thú y tỉnh, thời điểm này, có thể ngăn chặn và khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi hay không chủ yếu dựa vào sự chủ động của các hộ chăn nuôi.


Người dân xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng chăm sóc đàn lợn

Người dân chưa chủ động

Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho biết: Từ diễn biến thực tế tại các xã đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi cho thấy, ý thức phòng, chống dịch của các hộ chăn nuôi chưa cao và chưa chủ động phòng, chống bệnh dịch cho đàn lợn của gia đình mình.

Điều này được thể hiện qua việc mặc dù trên địa bàn thôn, xã đã có dịch, nhưng người dân không chung tay cùng chính quyền chống dịch. Các chủ hộ chăn nuôi cũng không chấp hành, tuân thủ quy định vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch. Đặc biệt, một số hộ dân khi có lợn chết không khai báo, tự đem đi chôn, quy trình chôn lấp không đạt yêu cầu…

Trên thực tế, người chăn nuôi vẫn còn lơ là, chủ quan trong  phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Dẫn chứng cụ thể đó là tình trạng dịch lây lan nhanh ở xã biên giới Thụy Hùng, huyện Văn Lãng hay như tại xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng. Theo nhận định từ cơ quan thú y, một trong những nguyên nhân khiến dịch không thể khoanh vùng và khống chế là do người chăn nuôi đến vùng có lợn nhiễm dịch bệnh, tuy nhiên, khi về nhà, vào khu chăn nuôi lợn của gia đình nhưng không thực hiện các bước tiêu độc, khử trùng (phải thực hiện khử trùng quần áo, giày dép bằng thuốc khử trùng trước khi ra, vào chuồng, trại chăn nuôi).

“Người chăn nuôi lợn tuy đã được phát tờ rơi, song ít hộ nghiên cứu, việc vệ sinh quét dọn, thu gom phân của nhiều hộ còn hạn chế. Ngoài ra, người dân vẫn nuôi lợn thả rông… Người chăn nuôi chưa chủ động trong phòng, chống dịch đã gây thêm nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tình trạng dịch bệnh lây lan rộng như hiện nay mà chưa thể khống chế, nguyên nhân cũng do ý thức của người chăn nuôi còn kém…” – Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT cho biết.

“Trắng lợn” vẫn phải triển khai biện pháp phòng, chống

Tính đến hết ngày 28/5/2019, đã có hơn 11 nghìn hộ chăn nuôi lợn tại 204 xã trên địa bàn tỉnh có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn tiêu hủy lên đến hơn 76 nghìn con, chiếm khoảng 1/5 tổng đàn lợn toàn tỉnh (tổng đàn hiện có khoảng 280 nghìn con). Đặc biệt, số lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy tăng mạnh trong một thời gian ngắn (trước ngày 22/5, số lợn nhiễm bệnh, tiêu hủy mới ở con số hơn 46 nghìn con). Trong đó, có khá nhiều xã số lượng lợn nhiễm dịch bệnh và phải tiêu hủy gần hết tổng đàn lợn của xã.

Cụ thể như tại xã Tú Đoạn (Lộc Bình). Tổng đàn lợn của xã có hơn 5.800 con, tính đến ngày 28/5, số lợn nhiễm dịch bệnh phải tiêu hủy của xã đã hơn 4.500 con. Cũng như xã Tú Đoạn, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đã khiến xã Khuất Xá (Lộc Bình) gần như “trắng lợn”. Theo đó, tổng đàn lợn của Khuất Xá có hơn 5.000 con lợn, thì hiện số lợn phải tiêu hủy đã lên đến hơn 80% tổng đàn.

Từ thực tế này dẫn đến việc xuất hiện tâm lý “buông” dịch của người chăn nuôi. Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trong ngày 27/5/2019, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đi kiểm tra thực tế tại một số xã của các huyện: Lộc Bình, Văn Lãng. Qua kiểm tra thấy rằng: người chăn nuôi tại những xã bệnh dịch tả lợn bùng phát rộng khiến tổng đàn lợn nhiễm bệnh nhiều, có xã phải tiêu hủy đến hơn 80% tổng đàn lợn có tâm lý “buông” dịch. Tức là, người chăn nuôi suy nghĩ rằng: hết lợn thì không cần thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nữa. Theo đó, người dân không thực hiện phun định kỳ thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi (phải thực hiện phun 2 lần/tuần, còn những khu vực mới xuất hiện dịch thì cách một ngày phải phun 1 lần); việc kiểm soát tại chốt kiểm dịch ra, vào những xã có dịch cũng bị buông lỏng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, tâm lý này của người dân sẽ càng khiến tình hình dịch bệnh trở nên khó khống chế. Bởi vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có độc lực cao, khả năng tồn tại trong môi trường rất lâu. Do vậy, nếu người chăn nuôi không tiếp tục thực hiện các biện pháp như phun thuốc tiêu độc khử trùng để xử lý nguồn vi-rút lây bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện tái đàn lợn sau này. Vì khi nguồn vi-rút vẫn còn thì cứ nuôi lợn trong khu vực đó thì lợn sẽ tiếp tục nhiễm bệnh dịch.

Toàn tỉnh hiện có hơn 52 nghìn hộ chăn nuôi lợn (ngoài ra còn có khoảng 30 trang trại nuôi lợn với số lượng lớn và hơn 150 gia trại nuôi lợn), trong đó có rất nhiều hộ nguồn thu nhập chính nhiều năm là từ việc chăn nuôi lợn. Do vậy, thời điểm này, việc người chăn nuôi chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là rất cần thiết, không chỉ giúp nhanh chóng khống chế dịch bệnh mà còn góp phần phòng, chống dịch bệnh cho cả thời điểm thực hiện tái đàn.

TRÍ DŨNG