Thứ sáu,  30/08/2024

Bảo vệ môi trường nguồn nước mặt

LSO- Theo kết quả tính toán, đánh giá của Hội đồng Quốc gia Tài nguyên nước và các nghiên cứu có liên quan, trên địa bàn tỉnh, mức bảo đảm cấp nước tự nhiên bình quân đầu người trên 8.000 m3/người/năm – con số này thấp hơn so với mức bình quân của cả nước. Mức bảo đảm cấp nước thấp, trong khi nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và đời sống lại không ngừng tăng, do vậy, công tác bảo vệ môi trường nguồn nước mặt càng trở nên quan trọng.


Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn kiểm tra bể xử lý nước,
xả thải nguồn nước ra môi trường

Báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh nêu rõ: Chi cục thường xuyên thực hiện quan trắc môi trường nước tại 32 điểm (vị trí sông, suối, hồ…) ở 11 huyện, thành phố. Kết quả quan trắc gần nhất cho thấy, tại một số khu vực, trong nguồn nước, một số hàm lượng như: amoni (NH4+), nitrat (NO3-), đồng (Cu), mangan (Mn), sắt (Fe)… cao hơn giới hạn cho phép đến 1,2 lần (ví dụ như tại khu vực sông Kỳ Cùng chảy qua địa phận thôn Pò Nâu, xã Tân Lang – ảnh hưởng từ bãi xử lý rác sinh hoạt; khu vực suối tại thôn Nà Lòong, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng – ảnh hưởng từ cơ sở chế biến thuộc da).

Ngoài ra, tại Cụm công nghiệp số 2 (khu vực Hợp Thành), Hồng Phong (Cao Lộc), khu vực khai thác than Na Dương (Lộc Bình), khu vực khai thác khoáng sản tại một số huyện như: Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình, Hữu Lũng…, mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt đang ngày một cao.

Ông Lương Văn Nhất, Phó trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tại Lạng Sơn, môi trường nước chịu tác động chủ yếu do hoạt động chăn nuôi, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động xả thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, chế biến trên địa bàn đang gây ảnh hưởng đến môi trường nước mặt cao nhất. Cụ thể như việc khai thác khoáng sản bắt buộc phải đào bới đất đá, điều này làm đục nước sông, qua đó, tạo điều kiện cho các quá trình ô-xy hóa thay thế môi trường khử. Đồng thời, khai thác khoáng sản còn tạo ra một lượng nước thải lớn từ quá trình tuyển quặng, nguồn nước thải này nếu xả thải ra thì sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Điều này thấy khá rõ tại những nguồn nước trong khu vực khai thác của mỏ Na Dương.

Tại Lạng Sơn, mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm chưa có nhiều, nhưng việc xả thải từ những cơ sở này đã ảnh hưởng đáng kể đến môi trường nước. Trên thực tế, qua kết quả quan trắc, hiện vấn đề môi trường nguồn nước trong khu vực cụm công nghiệp địa phương số 2 (xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) đang có nhiều thành phần kim loại nặng vượt giới hạn cho phép.

Từ thực tế trên, để phòng ngừa những tác động gây bất lợi đến môi trường nước, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện thẩm định chặt chẽ việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến tại một số cụm công nghiệp. Từ năm 2018 đến hết tháng 5/2019, ngành tài nguyên – môi trường tỉnh mới cấp 5 giấp phép xả nước thải vào nguồn nước/gần 100 hồ sơ xin cấp phép. Điển hình như hồ sơ xin cấp phép xả nước thải ra môi trường của Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ thương mại Hùng Vương (tại cụm công nghiệp địa phương số 2), qua thẩm định, phòng chuyên môn của sở đã 2 lần trả lại hồ sơ, đồng thời yêu cầu hoàn thiện khu vực xử lý nước thải tại công ty.

Ngoài ra, ngành tài nguyên – môi trường tỉnh còn triển khai kế hoạch giám sát thường xuyên đối với 19 cơ sở có nguy cao gây ô nhiễm môi trường. Danh sách các cơ sở thực hiện giám sát này đều gồm các công ty sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện: Lộc Bình, Hữu Lũng, Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Lãng.

Được biết, những tháng đầu năm 2019, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt hành chính 40 triệu đồng đối với 1 đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn do vi phạm về chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước. Theo ông Lương Văn Nhất, Phó trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thì trong quý III/2019, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan đẩy mạnh  kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến và các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tăng cường bảo vệ môi trường nguồn nước mặt.

 TRÍ DŨNG