Thứ sáu,  20/09/2024

Chi trả hỗ trợ thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi: Không để trục lợi từ dịch bệnh

(LSO) – Ngày 28/5/2019, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 479/UBND-KTN về việc quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn giám sát, kiểm soát chặt chẽ về số lượng và trọng lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, xử lý nghiêm các trường hợp khai khống, gian lận nhằm trục lợi.

     Chia sẻ gánh nặng với người chăn nuôi

Mặc dù Lạng Sơn không phải là địa phương nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, nhưng tính từ ngày phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn (11/3/2019) đến ngày 4/5/2019, toàn tỉnh đã có khoảng 11 nghìn hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại bởi dịch bệnh này, tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 104 nghìn con, giá trị kinh tế thiệt hại vài trăm tỷ đồng.

Để hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng cho người chăn nuôi, các huyện đã thống kê số liệu thiệt hại và tổ chức triển khai chi trả tiền theo 2 mức đã được UBND tỉnh quy định. Hộ có lợn mắc bệnh và tiêu hủy trước ngày 1/6/2019, sẽ được hỗ trợ 35.000 đồng/kg đối với lợn thịt, lợn con và 53.000 đồng/kg đối với lợn đực giống, lợn nái sinh sản theo Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 3/4/2019; hộ có lợn mắc bệnh và tiêu hủy từ ngày 1/6 trở đi sẽ được hỗ trợ 28.000 đồng/kg đối với lợn thịt, lợn con và 42.000 đồng/kg đối với lợn đực giống, lợn nái sinh sản theo Quyết định số 995/QĐ-UBND ngày 30/5/2019.

Người dân xã Xuân Mãn (Lộc Bình) xem danh sách thống kê thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi được niêm yết tại trụ sở UBND xã

Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện tại, nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh rất hạn chế, mà số lượng thiệt hại do dịch tả vẫn đang ngày một tăng, sở đã báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá thiệt hại về dịch tả lợn một cách chính xác trên cơ sở có sự xác nhận của người dân, cán bộ thôn, xã và cán bộ thú y cơ sở, không để xảy ra tình trạng thống kê sai lệch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

     Chi công khai, minh bạch

Bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: Khi nhận được thông tin phát hiện lợn bệnh, trung tâm sẽ cử cán bộ thú y đến kiểm tra; khi xác định lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi sẽ thành lập tổ công tác tiến hành phân loại lợn, cân trọng lượng và lập biên bản có sự chứng kiến, xác nhận của cán bộ xã, thôn, thú y viên và hộ dân, sau đó tổ chức tiêu hủy. Biên bản sẽ được lập 2 bản, một để lưu tại xã và một bản trung tâm giữ để báo cáo UBND huyện làm căn cứ đối chiếu khi chi trả tiền hỗ trợ.

Để đảm bảo minh bạch trong chi trả tiền hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Lộc Bình đã chỉ đạo UBND các xã lập danh sách số hộ có lợn tiêu hủy với số lượng rõ ràng, dán niêm yết công khai ở trụ sở để người dân biết và thực hiện theo dõi chéo, tránh trường hợp kê khai không chính xác. Như tại xã Xuân Mãn – nơi đầu tiên phát hiện dịch trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 31/5/2019 đã có 49 hộ có lợn bị nhiễm bệnh, đã tiêu hủy 238 con, tổng trọng lượng là 9.168 kg.

Ông Hứa Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình cho biết: UBND huyện đã hỗ trợ cho hộ dân phát hiện lợn nhiễm bệnh đầu tiên với số tiền 18 triệu đồng cho 436 kg lợn tiêu hủy. Những hộ còn lại, xã đã lập danh sách dán công khai ngay gần cổng UBND xã để người dân theo dõi, nếu không có kiến nghị hay thắc mắc nào từ phía các hộ dân, xã sẽ trình UBND huyện để chi trả tiền hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của tỉnh và kế hoạch của UBND huyện.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Cụ thể như huyện Cao Lộc đã ứng nguồn ngân sách dự phòng thực hiện chi trả được 2 đợt cho 64 hộ dân, việc chi trả được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai. Cũng giống như Cao Lộc, một số huyện cũng đã ứng nguồn ngân sách dự phòng của huyện để thực hiện chi trả hỗ trợ người chăn nuôi. Được biết, do UBND tỉnh có sự điều chỉnh về mức hỗ trợ nên UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các trung tâm dịch vụ nông nghiệp thống kê, lập danh sách số hộ thiệt hại trước ngày 1/6 và từ ngày 1/6 trở lại đây để xây dựng kế hoạch chi trả hỗ trợ.

Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh mà trực tiếp là người nông dân. Mong rằng số tiền hỗ trợ sẽ sớm đến tay người dân, giúp họ đỡ phần nào khó khăn và có thể tiếp tục đầu tư chăn nuôi trở lại sau khi dịch bệnh được dập tắt.

ANH DŨNG