Thứ sáu,  20/09/2024

Lộc Bình: “Nóng” xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp

(LSO) – Thời gian qua, hàng trăm căn nhà được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi nằm dọc theo các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn huyện Lộc Bình, hoạt động diễn ra giữa ban ngày và kéo dài, nhưng chính quyền cơ sở chưa có biện pháp quyết liệt ngăn chặn. Chính điều này khiến cho tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi có dấu hiệu ngày càng phức tạp.

Số liệu thống kê cho thấy hiện tượng vi phạm xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi đã diễn ra tại 25/29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, 4 xã chưa xuất hiện tình trạng vi phạm gồm: Ái Quốc, Mẫu Sơn, Minh Phát, Lục Thôn.

Hiện tượng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi chủ yếu tập trung dọc quốc lộ 4B, đường tỉnh 250 (Đồng Bục – Hữu Kiên – Đồng Mỏ), đường tỉnh 237 (Khuổi Khỉn – Bản Chắt) đường tỉnh 236 (Lộc Bình – Chi Ma). Số liệu của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Lộc Bình cung cấp: Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện phát hiện 284 trường hợp vi phạm, các địa bàn vi phạm phức tạp gồm: Bằng Khánh, Đồng Bục, Tú Đoạn, thị trấn Na Dương, Hữu Khánh thuộc quốc lộ 4B và đường tỉnh 236…

Một công trình xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi tại quốc lộ 4B thuộc xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình

Các hành vi vi phạm của các hộ chủ yếu là tự ý san đồi lấp ruộng và xây dựng công trình trên diện tích đất đã san, lấp, mặc dù chưa thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất sang mục đích đất phi nông nghiệp.

Đi dọc đường tỉnh 236, dễ dàng nhận thấy tình trạng vi phạm, hàng chục công trình xây dựng từ kiên cố đến bán kiên cố mọc lên. Tại xã Hữu Khánh, nếu như năm 2018, trên đường tỉnh 236 có 3 trường hợp vi phạm san, lấp và xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi, thì 6 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện thêm 4 trường hợp vi phạm tại các thôn: Bản Khiếng, Bản Dị, trong đó có 3 công trình xây dựng nhà ở và 1 trường hợp xây dựng công trình phụ. Các trường hợp vi phạm năm 2019 đều chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Tại quốc lộ 4B thuộc địa bàn các xã: Đồng Bục, thị trấn Lộc Bình, xã Quan Bản, thị trấn Na Dương trong 6 tháng đầu năm 2019 đã xuất hiện thêm 18 trường hợp vi phạm, trong đó, thị trấn Na Dương vi phạm nhiều nhất với 11 trường hợp.

Ông Hoàng Văn Huấn, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Lộc Bình cho biết: Tình trạng vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi diễn biến phức tạp do sự buông lỏng quản lý và sự thiếu trách nhiệm của cán bộ cấp xã, thị trấn. Hiện tượng này lãnh đạo huyện và phòng đều nắm và nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu các xã nắm bắt thông tin, phát hiện và ngăn chặn. Thậm trí, hằng quý, Phòng Tài nguyên – Môi trường tổ chức họp giao ban với các cán bộ địa chính xã, thị trấn; yêu cầu cán bộ địa chính thường xuyên nắm bắt thông tin và tham mưu cho UBND xã quản lý tình trạng này, nhưng nhiều xã chưa vào cuộc quyết liệt.

Chính vì sự thờ ơ của chính quyền cấp xã, khiến cho tình trạng vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi tại huyện Lộc Bình có biểu hiện phức tạp hơn trong năm 2019. Phân tích số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2018, toàn huyện phát hiện 63 trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, thì trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn huyện đã phát hiện mới 46 trường hợp vi phạm. Đáng chú ý, trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ, các hộ không chỉ vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp mà còn vi phạm vào đất quy hoạch hành lang an toàn giao thông đường bộ. Về lâu dài, sự tồn tại của các công trình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch sử dụng đất dọc theo tuyến quốc lộ phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Trước thực tế vi phạm về sử dụng đất sai mục đích và năng lực yếu kém của chính quyền cấp xã, từ cuối năm 2018 đến nay, huyện đã yêu cầu lãnh đạo UBND 3 xã: Đông Quan, Quan Bản, Hữu Khánh kiểm điểm trách nhiệm trong quản lý đất đai trên địa bàn mình quản lý do để xảy ra nhiều vi phạm và yêu cầu kiểm điểm tập thể lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Xuân Dương về buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm nghiêm trọng lĩnh vực đất đai trên địa bàn vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Về lâu dài, để giải quyết được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như hiện nay, huyện cần kiên quyết hơn trong việc quy trách nhiệm đối với lãnh đạo xã, gắn với đó tăng cường phối hợp giữa huyện và xã trong việc xử lý vi phạm. Kiên quyết không để lãnh đạo xã, thị trấn né tránh trách nhiệm và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

TRANG NINH