Thứ sáu,  20/09/2024

Đảm bảo vệ sinh môi trường khi tiêu hủy lợn bệnh

(LSO) – Những ngày qua, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai các biện pháp để ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó công tác tiêu hủy, khử trùng, tiêu độc, đảm bảo vệ sinh môi trường được chú trọng.

   Không để xác lợn ngoài môi trường

Khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng, đã có hiện tượng xác lợn chết bị vứt ra ngoài môi trường, như trường hợp xác lợn trôi trên sông Kỳ Cùng thuộc địa phận thôn Coỏng Luông, xã Đào Viên, huyện Tràng Định được phát hiện vào đầu tháng 5/2019. Ngay khi nhận được thông tin, UBND huyện Tràng Định đã chỉ đạo chính quyền xã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng thành lập chốt trên sông để trục vớt xác lợn, không để lợn chết phân hủy ngoài môi trường tự nhiên.

Tiêu hủy lợn tại xã Đề Thám, huyện Tràng Định

Không riêng Tràng Định, ngay tại khu vực cầu ngầm, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cũng phát hiện xác lợn chết, các lực lượng chức năng đã trục vớt và tiêu hủy đúng quy định. Trước tình trạng đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền để người dân không giấu dịch; rà soát địa bàn, tổ chức tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định, không để lợn bệnh chết vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định cho biết: Việc vứt xác lợn ra môi trường trên địa bàn huyện chỉ xảy ra khoảng thời gian đầu công bố dịch, do người dân chưa nhận thức đầy đủ. Qua tuyên truyền, tình trạng này đã chấm dứt. Tuy nhiên, vẫn đề phòng trường hợp thương buôn mua phải lợn bệnh, tìm cách vứt ra môi trường, trung tâm đã phối hợp với các xã, tuyên truyền đến người dân rà soát địa bàn, nếu phát hiện sẽ báo cáo để xử lý và tổ chức tiêu hủy ngay.

   Tổ chức tiêu hủy hợp vệ sinh

Trong suốt quá trình phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, công tác tiêu hủy được các cơ quan chức năng và chính quyền các huyện, xã đặc biệt quan tâm. Đối với việc tiêu hủy số lượng ít, nếu hộ gia đình có quỹ đất thì tiêu hủy tại vườn nhà, cách chuồng nuôi từ 30 m; đối với các trường hợp tiêu hủy số lượng nhiều ưu tiên chọn những địa điểm xa các hộ dân, ở trên cao, không lựa chọn địa điểm chôn ở gần ruộng, sông, suối, nguồn nước, tránh ô nhiễm.

Tiêu hủy lợn tại xã Đề Thám, huyện Tràng Định

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Việc chuẩn bị hố chôn, nhất là những hố chôn số lượng lớn được cán bộ Thú y giám sát cẩn thận, đa số được đào bằng máy, sâu ít nhất 3 m, phù hợp với khối lượng cần chôn. Tất cả các hố được lót bạt, rải vôi trước khi đưa lợn xuống; nơi tiêu hủy được đánh dấu bằng biển cảnh báo, quản lý và kiểm tra định kỳ…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, tổng số thuốc sát trùng sử dụng cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đến thời điểm hiện nay là 15.601 lít và 802.844 kg vôi bột. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chuyên môn chưa nhận được phản ánh nào của người dân về các hố tiêu hủy lợn gây ô nhiễm môi trường và chưa phát hiện thêm xác lợn bị vứt ra môi trường.

Hiện tại, các huyện đều đã chuẩn bị thuốc khử trùng, tiêu độc và vôi bột để tiếp tục xử lý môi trường ngay khi bệnh dịch tả lợn châu Phi chấm dứt, nhất là khu vực các hố chôn lợn với số lượng lớn, không để mầm bệnh tồn tại, đảm bảo vệ sinh môi trường và điều kiện thuận lợi cần thiết để có thể tái đàn.

ANH DŨNG