Thứ sáu,  20/09/2024

Đồng bộ giải pháp quản lý nợ thuế

LSO- Hiện nay, số nợ thuế nội địa trên địa bàn tỉnh ở mức khá cao  trên 10% tổng số thu ngân sách. Chính vì vậy, ngành thuế đã và đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp tăng cường quản lý nợ thuế.


Người nộp thuế đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của Cục Thuế tỉnh

Nợ thuế cao

Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh, đến ngày 30/6/2019, tổng nợ thuế trên địa bàn ước khoảng gần 160 tỷ đồng, tỷ lệ giữa tổng nợ và tổng thu ngân sách là 10,3%, cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu nợ được giao là không quá 5%. Qua 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã thu được khoảng 37,5 tỷ đồng tiền nợ thuế từ năm 2018 chuyển sang.

Nguyên nhân số nợ cao đầu tiên phải kể đến nhóm nợ thuế khó thu. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng số tiền nợ thuế khó thu trên địa bàn tỉnh là trên 40,5 tỷ đồng, chiếm 25% tổng số nợ thuế. Trong nhóm nợ khó thu có 35 tỷ đồng tiền thuế nợ đang xác định đối tượng để thu (nhóm này đa số nằm ở các đơn vị không còn hoạt động, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh) và 5,5 tỷ đồng tiền thuế nợ đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Nợ thuế ở khu vực này đã diễn ra từ nhiều năm, việc thu hồi gần như là không thể.

Ông Lê Công Mai, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Bên cạnh nhóm nợ khó thu đã nêu ở trên, nguyên nhân khác dẫn đến số nợ thuế cao là do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, thu hồi công nợ dẫn đến nợ thuế; bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ý thức chấp hành pháp luật thuế còn hạn chế, có tình trạng chiếm dụng tiền thuế… Cùng với đó, công tác đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế của một số đơn vị của cơ quan thuế chưa sát sao, kịp thời; việc phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin với các ban, ngành có liên quan trong việc đôn đốc thu nợ thuế chưa được thường xuyên.


Cán bộ Chi cục Thuế khu vực IV trao đổi nghiệp vụ thuế

Đồng bộ các giải pháp

Qua 6 tháng đầu năm 2019, ngành thuế tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế như: phân loại nợ, xử lý nợ sai, nợ ảo; đôn đốc nợ thuế bằng điện thoại, Email, ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp đến các trường hợp nợ thuế… lũy kế từ đầu năm đến nay được 2.952 lượt thông báo. Bên cạnh đó, công tác cưỡng chế nợ thuế tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện. Cụ thể, cơ quan thuế đã thực hiện xác minh thông tin được 143 lượt doanh nghiệp để chuẩn bị thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với các đối tượng có số thuế nợ quá hạn từ 61 đến 90 ngày. Đối với các doanh nghiệp nợ thuế quá hạn từ 91 ngày trở lên, cơ quan thuế đã ban hành 46 lượt quyết định, trong đó, 8 lượt quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản (số tiền cưỡng chế 5.375 triệu đồng), 38 lượt quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (số tiền cưỡng chế 43.777 triệu đồng).

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đôn đốc, thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, ngành thuế tập trung triển khai thêm nhiều giải pháp. Ông Lê Minh Hồng, Trưởng Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết: Cơ quan thuế tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, miễn, giảm, giãn, hoàn, gia hạn nợ và xóa nợ thuế; xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ xử lý, chờ điều chỉnh; hằng tháng ban hành thông báo tiền thuế nợ đối với 100% doanh nghiệp còn nợ tiền thuế; công khai thông tin người nợ thuế đã thực hiện cưỡng chế trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Với những giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai thực hiện, hy vọng công tác quản lý nợ thuế trên địa bàn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, qua đó góp phần hoàn thành dự toán thu ngân sách nói chung cũng như chỉ tiêu thu nợ của ngành thuế năm 2019.

 TÂN AN