Thứ sáu,  20/09/2024

Ứng dụng các giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi

LSO- Thời gian qua, từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, người dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với các giải pháp xử lý môi trường chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi.


Người dân thôn Kép 1, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng
sử dụng hiệu quả hầm biogas

Từ năm 2003, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện dự án “Chương trình Khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam” triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Mục tiêu tổng thể của dự án là góp phần phát triển nông thôn thông qua việc sử dụng công nghệ khí sinh học bằng cách hỗ trợ người dân xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tận dụng nguồn chất thải đó để làm chất đốt, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con; giữ gìn và bảo vệ sạch môi trường; tăng lợi ích kinh tế cho các hộ chăn nuôi do giảm chi phí về chất đốt.

Tại Lạng Sơn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao là cơ quan đầu mối thực hiện (dự án chia làm 3 giai đoạn). Trong đó, giai đoạn I (2003 – 2006), dự án hỗ trợ 350 hộ (mỗi hộ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hầm); giai đoạn II (2007 – 2015) hỗ trợ 1.045 hộ (mỗi hộ được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hầm). Kết thúc 2 giai đoạn, dự án đã hỗ trợ được gần 1.400 hộ dân trên toàn tỉnh xây dựng được gần 1.400 hầm biogas, phục vụ hiệu quả việc xử lý chất thải trong chăn nuôi. Giai đoạn III (từ năm 2015 đến nay) do có sự điều chỉnh về cơ quan đầu mối nên dự án được giao cho một số tổ chức hội thực hiện, lồng ghép từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường của tỉnh. Từ đó đến nay, các tổ chức hội đã giúp người dân trên toàn tỉnh xây và lắp đặt được thêm 200 hầm biogas.

Ông Đoàn Văn Bường, thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi thường xuyên nuôi từ 10 – 15 con lợn/năm. Từ năm 2004, nhờ cán bộ khuyến nông của xã tuyên truyền, vận động, tôi đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas (tổng kinh phí 5 triệu đồng, trong đó, gia đình tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng) để xử lý chất thải chăn nuôi và tận dụng khí thải làm chất đốt đun nấu. Từ khi có hầm biogas, mỗi năm, gia đình tôi tiết kiệm được hơn 5 triệu đồng chi phí đun nấu. Hầm biogas còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng phụ phẩm từ chất thải chăn nuôi để bón các loại cây trồng…

Ông Hoàng Văn Đảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Việc triển khai thực hiện dự án khí sinh học đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xử lý chất thải chăn nuôi; giảm tình trạng sử dụng than, củi; bảo vệ môi trường nông thôn; nâng cao sức khỏe và tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi.

Cùng với dự án khí sinh học do Trung ương triển khai, từ năm 2012 – 2013, Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ vi sinh xây dựng mô hình đệm lót sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm”. Với mô hình này, người chăn nuôi chỉ cần tạo lớp đệm lót bằng các nguyên liệu gần gũi như trấu, rơm cùng một loại chế phẩm sinh học có tác dụng khử mùi và phân hủy phân của các loại gia súc, gia cầm. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là người chăn nuôi tiết kiệm được công dọn chuồng, vật nuôi ít dịch bệnh; sau khi bỏ lớp đệm lót này, bà con có thể tận dụng để làm phân bón cây rất hiệu quả.

 Thực hiện dự án, trung tâm đã xây dựng được 4 mô hình tại thành phố Lạng Sơn và huyện Lộc Bình. Kết thúc dự án, từ năm 2013 đến nay, hằng năm, trung tâm đều hỗ trợ mô hình sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi tại các xã điểm được chọn về đích nông  thôn mới của tỉnh. Theo đó, từ năm 2013 đến nay, trung tâm hỗ trợ thực hiện được 90 mô hình tại 18 xã.

Trên cơ sở các chương trình, dự án kết hợp với sự tuyên truyền, vận động của các cơ quan chuyên môn, từ năm 2015 đến nay, đã có thêm gần 1.500 hộ chăn nuôi trong tỉnh chủ động đầu tư xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh; xây hầm biogas hay lắp đặt hầm biogas bằng công nghệ mới Composite; sử dụng đệm lót sinh thái, nhất là tại các huyện phát triển chăn nuôi như: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Chi Lăng…. Qua đó, góp phần quan trọng xử lý hiệu quả một lượng lớn chất thải từ chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất.

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có gần 260 nghìn con gia súc (trâu, bò, lợn); gần 4 triệu con gia cầm (gà, vịt, ngan) với khoảng 60% số hộ gia đình có chăn nuôi. Ước tính, hằng năm có khoảng hơn 1 triệu tấn chất thải từ đàn gia súc, gia cầm thải ra môi trường, chưa kể hàng vạn tấn nước thải từ chăn nuôi mỗi ngày. Vì vậy, việc tăng cường xử lý chất thải chăn nuôi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh cho đàn vật nuôi…
 NGUYỄN PHƯƠNG- KIM HUYÊN