Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả từ chuyển đổi mô hình quản lý và thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng chợ

LSO-Huy động nguồn lực đầu tư công trình chợ tại trung tâm các huyện, trung tâm xã và cụm xã luôn là bài toán khó vì ngân sách nhà nước không đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở lại đây, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để cải tạo xây mới các chợ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc.


Bà con tiểu thương kinh doanh tại chợ xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương Lạng Sơn, hiện toàn tỉnh có 83 chợ đang hoạt động (bao gồm cả các chợ cửa khẩu), trong đó có 64 chợ hạng 3 (chợ nông thôn và chợ tạm); 16 chợ hạng 2 (chợ thành thị); 3 chợ hạng 1 (chợ Đông Kinh, chợ Lạng Sơn và chợ Đồng Đăng nằm trong trung tâm thương mại Đồng Đăng).

Về chuyển đổi mô hình có 29/83 chợ (chiếm 34,9%) đã chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp chợ. Đối với doanh nghiệp quản lý chợ có tổng số 22 doanh nghiệp gồm 3 doanh nghiệp quản lý chợ hạng 1; 10 doanh nghiệp quản lý chợ hạng 2 và 9 doanh nghiệp quản lý chợ hạng 3. Còn lại các chợ hạng 3 vẫn do ban quản lý chợ cấp xã quản lý.

Hiện tại có 3 huyện có số lượng chợ đang hoạt động lớn, chiếm 50% tổng số chợ khu vực nông thôn toàn tỉnh gồm: Bắc Sơn 12 chợ (1 chợ trung tâm huyện và 11 chợ xã); Hữu Lũng 11 chợ (2 chợ trung tâm huyện và 9 chợ xã) và Văn Quan 8 chợ (1 chợ trung tâm huyện và 7 chợ xã). Về hiện trạng, hầu hết các chợ đều được đầu tư xây dựng từ lâu bằng nguồn vốn thuộc chương trình 135, cơ sở hạ tầng giản đơn, đến nay đều đã xuống cấp và mặt bằng không đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống chợ theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư xây dựng chợ như: Quyết định số 28 ngày 20/12/2014 quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 25 ngày 22/2/2018 quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2030. Qua đó, từ năm 2017 đến nay, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng như thu hút đầu tư xây dựng các chợ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc.

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được gần 90 tỷ đồng để đầu tư chợ tại trung tâm các huyện và trung tâm xã. Đặc biệt tại huyện Văn Quan, thực hiện tiêu chí chợ nông thôn chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, trong số 8 chợ đang hoạt động có 3 chợ chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý. Cụ thể gồm chợ: Ba Xã, chợ Bãi và chợ Vân Mộng. Trong đó, riêng chợ Vân Mộng được doanh nghiệp đầu tư 3 tỷ đồng để xây dựng; hai chợ còn lại đang được doanh nghiệp lập dự án để cải tạo sửa chữa, dự toán mỗi công trình 2 tỷ đồng. Không những vậy, để thu hút đầu tư, huyện Văn Quan cũng chủ động lập dự án giải phóng mặt bằng để xây dựng chợ trung tâm huyện quy mô 2,7 ha. Hiện huyện đã giải phóng được hơn 10.000 m2 mặt bằng sạch.

Bà Hứa Phong Lan, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Quan cho biết: Chợ trung tâm huyện đã quá tải, mỗi khi đến phiên chợ, bà con tràn ra quốc lộ 1B để bán hàng gây mất trật tự an toàn giao thông. Do vậy, huyện quyết tâm quy hoạch xây dựng hạ tầng chợ trung tâm gắn với phát triển dịch vụ thương mại để từng bước tạo môi trường kinh doanh văn minh cho người dân. Trước mắt, để thu hút nhà đầu tư, huyện đang tập trung tạo quỹ đất, mặt bằng sạch và hướng dẫn nhà đầu tư để được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của tỉnh khi đầu tư các chợ, nhất là các chợ xã trên địa bàn huyện.

Về phía nhà đầu tư đang tham gia thực hiện các dự án nâng cấp chợ, ông Nguyễn Phú Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Việt Đức cho biết: Huyện Văn Quan đã đồng hành cùng với doanh nghiệp trong việc chuyển giao mô hình quản lý chợ cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập dự án đầu tư cải tạo các công trình chợ xã theo chương trình nông thôn mới của huyện. Trong năm 2019, công ty phấn đấu hoàn thành cải tạo 2 chợ (chợ Ba Xã và chợ Bãi), từ đó tổ chức khai thác và rút kinh nghiệm để triển khai tiếp tại 2 chợ khác cũng trên địa bàn huyện Văn Quan trong năm 2020.

Theo đánh giá của ngành công thương, các chợ sau khi chuyển đổi từ mô hình ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp đều hoạt động khá hiệu quả, cơ sở vật chất của chợ được đầu tư khang trang, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi, mua sắm hàng hóa của dân cư.

Theo quyết định số 25/2018/QĐ-UBND quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2030, các nhà đầu tư thực hiện xây dựng chợ mới theo chuẩn nông thôn mới có diện tích từ 1.500 m2 được hỗ trợ giải phóng mặt bằng mức tối đa không quá 600 triệu đồng/chợ. Hỗ trợ các hạng mục chính của chợ, đối với xây mới, hỗ trợ 55% giá trị đầu tư nhưng không quá 1,2 tỷ đồng/chợ; đối với đầu tư cải tạo chợ 55% giá trị đầu tư nhưng không quá 600 triệu đồng/chợ.
 TRANG NINH – YÊN SƠN