Thứ sáu,  20/09/2024

Tràng Định: Khó khăn trong bảo vệ rừng

(LSO) – Câu chuyện phá rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Tràng Định năm 2018 khiến nhiều người, trong đó có cả cán bộ phòng nông nghiệp, cán bộ kiểm lâm huyện bị khởi tố chưa kịp lắng xuống, thì trong 6 tháng đầu năm 2019, tình trạng người dân trên địa bàn huyện phá rừng sản xuất lại tái diễn.

Ngày 23/5/2019, tại khu rừng thuộc địa bàn xã Chí Minh, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 đối tượng thực hiện chặt phá rừng sản xuất, tổng diện tích chặt phá lên đến 7,4 ha. Vụ việc này, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử lý hình sự đối với những đối tượng liên quan.

Trước đó, trong tháng 4/2019, tại địa bàn xã Tân Minh cũng đã xảy ra tình trạng người dân chặt phá rừng sản xuất (diện tích khoảng 2.000 m2), cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt hành chính đối với 1 đối tượng liên quan và buộc trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã chặt phá.

Lực lượng kiểm lâm huyện Tràng Định kiểm tra khu vực rừng bị chặt phá

Ngoài 2 vụ việc trên, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định phát hiện và xử lý hơn 10 vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tràng Định cho biết: Những vụ người dân phá rừng hầu hết diễn ra tại địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, người dân chưa nắm được những quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Ví dụ như người dân chặt rừng nghèo kiệt với mục đích lấy đất trồng rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao hơn, nhưng theo quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản thì việc làm này là hành vi phá rừng trái phép. Nếu diện tích chặt phá vượt quá 0,5 ha, phải xử lý hình sự.

Tìm hiểu được biết, những vụ chặt, phá rừng trên địa bàn huyện Tràng Định trong thời gian qua chủ yêu là rừng nghèo kiệt. Theo thống kê, diện tích rừng nghèo kiệt của huyện Tràng Định khoảng trên 10 nghìn héc ta. Mặt khác, tại những xã khó khăn như: Chí Minh, Kim Đồng, Chi Lăng, Đoàn Kết…, quỹ đất trồng rừng hầu như đã hết. Điều này dẫn đến việc người dân tự ý chặt, phá rừng nghèo để trồng rừng sản xuất.

Ông Từ Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước đây, đối với rừng nghèo kiệt, người dân có thể cải tạo bằng cách trồng rừng mới khi được cơ quan chức năng cấp phép. Nhưng từ năm 2017, Chính phủ đã cấm cải tạo rừng nghèo kiệt, do vậy, việc người dân tự ý cải tạo rừng nghèo kiệt mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý của cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cũng là nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng tiếp tục tái diễn tại huyện Tràng Định. Minh chứng cụ thể là trong vụ việc phá rừng trên địa bàn xã Chí Minh có liên quan đến 1 cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định. Hiện vụ việc đơn vị đã chuyển sang cơ quan cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý.

Bên cạnh đó, việc phân loại đất rừng hiện chưa rõ ràng khiến công tác bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm gặp khó khăn. Đồng thời công tác quản lý rừng từ cơ sở còn nhiều hạn chế cũng khiến tình trạng phá rừng không được ngăn chặn ngay từ đầu. Thực trạng này đã ảnh hưởng nhiều đến công tác phát triển rừng của Tràng Định.

Để ngăn chặn tình trạng người dân phá rừng trái phép, ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định cho biết: Hạt đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức rà soát quỹ đất, đối với những diện tích chưa có rừng, không nằm trong quy hoạch vùng trồng rừng phòng hộ sẽ xem xét giao đất cho người dân canh tác. Bên cạnh đó, hạt tăng cường lực lượng kiểm lâm bám nắm địa bàn, tăng tần suất tuần rừng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân trên địa bàn…

TRÍ DŨNG