Thứ sáu,  20/09/2024
Phát triển kinh tế tập thể:

Nâng “chất” các hợp tác xã thủy sản

LSO- Không phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng của các hợp tác xã (HTX) thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét.


Thu hoạch cá trắm cỏ tại HTX chăn nuôi cá lồng Tân Minh, huyện Văn Quan

Cùng là nuôi trồng, khai thác thủy sản, nhưng mỗi HTX lại chọn cho mình cách làm phù hợp điều kiện thực tiễn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nổi bật nhất trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phải kể đến các HTX chăn nuôi cá lồng ở các hồ đập, sông suối.

HTX chăn nuôi cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan là một ví dụ. Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện nay có 20 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi cá lồng trên sông Tu Đồn (HTX có 40 lồng cá), trong đó chủ yếu là cá trắm cỏ. Công việc góp phần tăng thu nhập đáng kể cho các hộ thành viên. Trung bình mỗi ngày, các hộ bỏ ra khoảng 1,5 tiếng để chăm sóc, vệ sinh lồng cá. Trừ chi phí, mỗi lồng cá đến tuổi khai thác cho thu nhập từ 10-20 triệu đồng/năm. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế, thời gian tới, HTX nghiên cứu đưa vào nuôi thêm giống cá ngắn ngày hơn, đồng thời chủ động liên kết tiêu thụ với các nhà hàng cũng như mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Không có sẵn diện tích mặt nước như HTX chăn nuôi cá lồng Tân Minh, HTX thủy sản Lân Vực, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa ở chân ruộng trũng, kém hiệu quả sang làm ao nuôi cá. Ông Phùng Văn Quyển, Giám đốc HTX cho biết: Tổng diện tích nuôi cá của HTX hiện nay là 24.000 m2. Trước đây, diện tích này trồng lúa chỉ đạt khoảng 70 triệu đồng/năm, sau khi chuyển sang nuôi cá, trừ chi phí, mỗi năm, HTX thu về gần 300 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, bên cạnh sự chủ động của HTX, những năm gần đây, HTX đã được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để cải tạo, nâng cấp ao nuôi, hệ thống cấp, thoát nước… Từ đó, HTX có thêm điều kiện để phát triển mô hình nuôi cá.

Không có sông, hồ, đập, cũng không có diện tích ruộng để cải tạo thành ao nuôi như 2 trường hợp kể trên, thế nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá, HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản Cấm Sơn, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng chủ động thuê lại ao nuôi của một trung tâm giống thủy sản để nuôi cá. Ông Bùi Văn Việt, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX có 9 thành viên thuê ao nuôi cá với tổng diện tích gần 11.000 m2, các loại cá thịt được nuôi chủ yếu như: trắm, chép, mè…Cá của HTX được nuôi đảm bảo an toàn, thị trường tiêu thụ ổn định. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ nuôi cá của HTX được trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 1,2 tỷ đồng.


Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Thủy sản Cấm Sơn
giới thiệu mô hình nuôi cá thịt của các hộ thành viên

Cùng với 3 HTX kể trên, trong những năm qua, nhiều HTX thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đã nỗ lực, nhạy bén trong việc lựa chọn hình thức chăn nuôi phù hợp; tăng cường liên doanh, liên kết với các HTX, doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, chất lượng hoạt động của các HTX thủy sản đã có những chuyển biến rõ nét. Đến nay, toàn tỉnh có 13 HTX thủy sản với gần 250 thành viên, tổng vốn điều lệ trên 4 tỷ đồng, trong đó, số HTX hoạt động khá, tốt chiếm khoảng 70%; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh sự chủ động, nhạy bén của các HTX thủy sản, để giúp các HTX trong lĩnh vực này vươn lên phát triển, các sở, ngành liên quan, trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh đã có hỗ trợ thiết thực. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Bên cạnh tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, ngành chức năng còn hỗ trợ con giống, vật tư, hỗ trợ vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để các HTX có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ đó giúp các HTX thủy sản vươn lên phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.

 TÂN AN