Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển cụm công nghiệp: Còn nhiều vướng mắc

(LSO) – Số lượng, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày một tăng, kéo theo đó là nhu cầu về mặt bằng đầu tư khởi nghiệp, phát triển sản xuất cũng tăng theo. Tuy nhiên, việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn dậm chân tại chỗ do còn nhiều vướng mắc.

   Suất đầu tư lớn

Ngày 31/12/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2476, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch các cụm công nghiệp trong Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011 – 2020, xét đến năm 2025. Đây là cơ sở pháp lý cho việc thành lập các cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định hiện hành.

Cụm công nghiệp địa phương số 2 được hoàn thiện duy nhất của tỉnh đã lấp kịp mặt bằng từ lâu nay

Từ khi phê duyệt quy hoạch đến nay, UBND tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, nhất là các khu vực có tiềm năng như: huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng. Nhưng do đặc điểm địa hình miền núi, chi phí san lấp mặt bằng cao, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, cây cối hoa màu lớn, dẫn đến suất đầu tư cao nên chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Bà Trịnh Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Để thu hút nhà đầu tư, UBND tỉnh đã có những cơ chế ưu đãi, cụ thể như: hỗ trợ 10% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng xác định theo bảng giá nhà nước quy định; hỗ trợ xây dựng công trình kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án (50%); và hỗ trợ các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư… Tuy nhiên, do đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn có suất đầu tư từ 8 đến 10 tỷ đồng/ha, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên rất khó thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong tỉnh với năng lực tài chính hạn chế. Do vậy, đến nay chỉ có một cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động.

    “Vướng” Luật Quy hoạch

Ngay khi dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn tái khởi động, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt đề án xác định các điểm tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội dọc tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, giai đoạn 2018 – 2035. Trong đó, quỹ đất để phát triển các cụm công nghiệp tại huyện Hữu Lũng là 1.482 ha và huyện Cao Lộc là 268 ha. Hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng 10 cụm công nghiệp đến đến năm 2030 theo Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư khảo sát thực tế khu vực triển khai dự án cụm công nghiệp Hợp Thành 1

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng tìm hiểu, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt và một số vị trí hai bên đường cao tốc như: Liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh địa ốc Hà Nội – Công ty Cổ phần Lộc Thiên Phú Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Tân Bắc Sơn… Đồng thời, Sở Công Thương đã tích cực đưa doanh nghiệp đi khảo sát vị trí, địa điểm, đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết như: đề xuất đầu tư dự án cụm công nghiệp Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng và tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng để có cơ sở đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chưa thể thực hiện được do chưa có văn bản hướng dẫn của trung ương thực hiện Luật Quy hoạch về nội dung này. Theo ông Đinh Kỳ Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc triển khai đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn.

   Chủ động giải quyết      

Để giải quyết vướng mắc, ngày 23/7/2019, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Công Thương việc góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị thay đổi một số nội dụng để phù hợp với tình hình thực tế cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Đồng thời, đề nghị bộ đề xuất với Chính phủ xem xét ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch liên quan đến phát triển cụm công nghiệp để chính quyền địa phương sớm có hướng xử lý để không ảnh hưởng đến việc phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để chủ động đẩy nhanh tiến độ khi có văn bản hướng dẫn của trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận về tín dụng, đất đai, thị trường nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư đã và đang được triển khai như: dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2 và khu tái định cư Hợp Thành; cụm công nghiệp Na Dương… Đồng thời, hướng dẫn UBND huyện Hữu Lũng hoàn thiện các thủ tục thành lập cụm công nghiệp thị trấn Hữu Lũng 1 sau khi có văn bản chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, để có thể giảm suất đầu tư trong việc xây dựng cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện hồ sơ đề nghị hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dự án theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ đó, thu hút nhà đầu tư quan tâm, đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

ANH DŨNG