Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển thương mại điện tử: Chậm hơn xu thế

(LSO) – Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, tỉnh Lạng Sơn xếp 53/54 tỉnh, thành phố được khảo sát xếp hạng. Tỷ lệ số tên miền (.VN) xếp 52/63 tỉnh, thành phố với 289 tên miền được đăng ký. Các chỉ số cho thấy quy mô thị trường thương mại điện tử tỉnh Lạng Sơn còn khiêm tốn, chậm hơn với xu thế hiện nay.

   Doanh nghiệp còn thờ ơ

Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp quan tâm đến thương mại điện tử (TMĐT) (chưa đến 10%), có thực hiện giao dịch hàng hóa – dịch vụ qua các sàn TMĐT. Còn lại mới chỉ dừng ở mức độ có địa chỉ email để xử lý việc nội bộ, trao đổi thông tin hằng ngày. Theo khảo sát năm 2018 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp Lạng Sơn với người tiêu dùng (B2C) xếp hạng 53/54 tỉnh, thành được khảo sát; chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin xếp hạng 51/54.

Hạn chế trên bởi doanh nghiệp tỉnh còn mơ hồ về TMĐT, chưa thực sự quan tâm, đầu tư phát triển theo xu thế hiện đại. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương, số doanh nghiệp có nhân sự chuyên trách và có trình độ khai thác sử dụng các ứng dụng TMĐT rất thấp, chưa đến 5% trong tổng số doanh nghiệp cả tỉnh. Chỉ có số ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn và siêu thị đầu tư quản trị và xây dựng kế hoạch triển khai dự án TMĐT để tiếp thị sản phẩm và thanh toán trực tuyến.

Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại rà soát lại sàn giao dịch điện tử của tỉnh

Được biết, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã thành lập trang điện tử langsontrade.vn và Sở Công Thương cũng đã mở sàn giao dịch thương mại điện tử ecls.com.vn để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu sản phẩm và giao dịch thương mại. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia tương tác chỉ đếm được trên đầu ngón tay và 2 trang điện tử gần như bị lãng quên bởi từ năm 2017 đến nay hình ảnh sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp nổi trên trang nhất gần như không thay đổi.

   Đã tuyên tuyền nhưng chưa hiệu quả

Theo báo cáo Tổng kết Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2016 đến nay, hằng năm, Sở Công Thương đều phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế, Bộ Công Thương tổ chức 3 lớp tập huấn, tuyên truyền, triển khai các văn bản pháp luật về TMĐT cho cán bộ chuyên trách quản lý TMĐT, công nghệ thông tin các cấp; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất và phát sóng 40 số chuyên mục Thương mại điện tử; xuất bản và cấp phát miễn phí 800 cuốn “Sổ tay thương mại điện tử” tới các cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Công tác tuyền truyền là thế, tuy nhiên, theo khảo sát của VECOM, thì Lạng Sơn mới có 289 tên miền được đăng ký/khoảng 2.800 doanh nghiệp, bình quân đến 2.660 người/tên miền, thì rõ ràng hiệu quả tuyên truyền rất hạn chế. Và qua theo dõi của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, do chưa hiểu rõ về TMĐT nên các doanh nghiệp chưa quan tầm đầu tư, dành nhiều nguồn lực cho việc ứng dụng TMĐT vào sản xuất và kinh doanh; có doanh nghiệp đã tiếp cận TMĐT nhưng  kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo bà Triệu Kim Chi, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, nguyên nhân của hạn chế trên do hoạt động TMĐT là một lĩnh vực mới, phát triển nhanh chóng nhưng công tác tuyên truyền ứng dụng giao dịch TMĐT chưa sâu dẫn đến người dân, doanh nghiệp còn thờ ơ với TMĐT. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác TMĐT còn thiếu, nghiệp vụ còn hạn chế, việc phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chồng chéo về nội dung nên chưa thực sự hiệu quả.

   Cần giải pháp thiết thực

Trước hạn chế trong việc phát triển TMĐT, ngành công thương đã chủ trương triển khai đồng bộ giải pháp để giúp doanh nghiệp và người dân quan tâm, tiếp cận TMĐT và thấy được lợi ích từ TMĐT.

Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Từ nay đến năm 2020, cùng với công tác tuyên truyền và tập huấn, phổ biến kiến thức phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử cho doanh nghiệp, trung tâm sẽ lựa chọn khoảng 20 doanh nghiệp với các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau để hỗ trợ các nội dung quan trọng, thiết thực theo hình thức “cầm tay chỉ việc” như: thiết lập, sử dụng thư điện tử với tên miền dùng riêng; xây dựng website và tham gia sàn giao dịch TMĐT. Khi các doanh nghiệp thấy được hiệu quả từ việc tham gia TMĐT thì chính doanh nghiệp sẽ là tuyên truyền viên phát triển rộng mạng lưới trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng Sàn giao dịch TMĐT của Lạng Sơn đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công cụ tiện ích và các nguồn lực cần thiết tạo môi trường giao dịch thuận tiện, an toàn. Hỗ trợ miễn phí doanh nghiệp cung cấp thông tin, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch qua mạng Internet thông qua Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh. Hướng đến mục tiêu năm 2025 có 100% doanh nghiệp tham gia website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 50% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.

ANH DŨNG