Thứ năm,  19/09/2024

Thạch đen Tràng Định: Hướng đến xuất khẩu chính ngạch

(LSO) – Huyện Tràng Định có trên 1.200 ha thạch đen. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, song thời gian qua chủ yếu là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Để hướng đến xuất khẩu theo chính ngạch sang Trung Quốc, huyện Tràng Định đã và đang triển khai nhiều biện pháp trong quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản,… nhằm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.

Cuối tháng 9/2019, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở NN&PTNT tỉnh, lãnh đạo huyện Tràng Định đã làm việc với đoàn chuyên gia kiểm dịch thực vật Trung Quốc tại Lạng Sơn. Trong đó, đoàn đã khảo sát đánh giá vùng trồng thạch đen và khu nhà xưởng thu gom thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định.

Sau khi làm việc, khảo sát thực tế vùng trồng thạch đen tại Tràng Định, ông Phó Hải Binh, trưởng đoàn chuyên gia kiểm dịch thực vật Trung Quốc khẳng định: “Tràng Định cơ bản đủ các điều kiện an toàn vùng trồng thạch đen để xuất khẩu sang Trung Quốc”. Tuy vậy, các chuyên gia kiểm dịch Trung Quốc cũng lưu ý một số điểm cần khắc phục để thạch đen Tràng Định nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt lưu tâm đến việc xử lý tàn dư thuốc bảo vệ thực vật; vệ sinh môi trường khi thu hoạch, bảo quản; chia thành từng khu thu gom, ghi chép và quy định rõ ràng khi vào khu vực nhà xưởng; đuổi bắt côn trùng, các sinh vật làm ảnh hưởng đến chất lượng của cây thạch,…

Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư Đức Quý sơ chế, phân loại thạch đen

Việc xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc cần có sự phối hợp, trao đổi, làm việc của cơ quan chức năng, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc. Tuy vậy, trước tiên, người dân cần phải thực hiện quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản để đảm bảo thạch đen đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Để thực hiện việc này, thời gian qua, huyện Tràng Định triển khai nhiều biện pháp như: ban hành nghị quyết về phát triển cây thạch đen; phối hợp với các viện nghiên cứu về nông, lâm nghiệp để nghiên cứu, triển khai áp dụng kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây thạch đen; mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản thạch đen;… Trong đó, từ đầu 2019 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn tỉnh, UBND các xã, thị trấn mở được 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản thạch đen theo hướng sản xuất hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Từ 2018 trở về trước, tình trạng một số người dân trồng thạch đen phun thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc còn diễn ra; việc thu hoạch chưa đảm bảo sạch. Vì vậy, năm 2019, trung tâm tập trung tập huấn, tuyên truyền người dân trong quá trình trồng thạch không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật để phun; khi thu hoạch phải cắt rễ cây (trước đây thu hoạch cả rễ cây);…

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thạch đen, đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2019, huyện Tràng Định triển khai thực hiện mô hình sản xuất thạch đen theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, triển khai mô hình tại 7 xã vùng trồng thạch (gồm: Kim Đồng, Tân Tiến, Vĩnh Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Khánh Long, Chí Minh) với diện tích 14 ha. Hiện đã triển khai đăng ký với các hộ dân tham gia, lựa chọn giống và triển khai trồng vào vụ đông-xuân 2019-2020. Việc trồng theo mô hình trên có hiệu quả sẽ được nhân rộng ra toàn huyện trong thời gian tiếp theo. Song song với đó, huyện Tràng Định hỗ trợ 900 triệu đồng để làm bao bì, tem nhãn sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thạch ăn và cây thạch đen cho hội viên Hội sản xuất và kinh doanh thạch đen huyện.

Ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để nâng cao giá trị sản phẩm thạch đen, hướng đến xuất khẩu chính ngạch đi các nước, nhất là thị trường Trung Quốc, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người dân áp dụng các biện pháp trồng theo hướng sản xuất thạch hữu cơ. Cùng với đó, bằng các nguồn vốn khác nhau, huyện hỗ trợ sản xuất mô hình liên kết theo chuỗi giá trị cho cây thạch đen; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đựng sản phẩm. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển lâm nghiệp (thuộc Đại học Thái Nguyên)  nghiên cứu cải tạo đất, lựa chọn giống thạch tốt nhất để phát triển cây thạch của huyện.


Nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất

(LSO) – Huyện Tràng Định đang hướng đến sản xuất, chế biến thạch đen đảm bảo  tiêu chuẩn xuất khẩu. Phóng viên Báo Lạng Sơn phỏng vấn một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện về một số giải pháp đề thực hiện hiệu quả việc này.

Ông Hoàng Văn Can, Bí thư Đảng ủy xã Kim Đồng: “Tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân trong trồng, chăm sóc, bảo quản thạch đen theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Xã Kim Đồng có trên 120 ha  thạch đen. Những năm qua, người dân chủ yếu trồng, chăm sóc, bảo quản thạch theo cách làm truyền thống, trong quá trình trồng còn phun thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; khi thu hoạch còn lẫn bùn đất trong thạch;… Trước  đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, người dân cần thay đổi trong cách trồng, chăm sóc, bảo quản thạch. Vì vậy, xã phối hợp phòng chuyên môn huyện mở lớp tập huấn về quy trình trồng chăm sóc, bảo quản thạch cho người dân; chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, cán bộ nông – lâm, thú y viên, khuyến nông viên xã, trưởng thôn tuyên truyền, giám sám người dân trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo quản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xã đang phối hợp triển khai thực hiện mô hình trồng thạch theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại 4 thôn với diện tích 2 ha. Qua đó, để người dân tiếp cận với quy trình sản xuất mới và nhân rộng toàn xã.

Ông Chu Văn Bảy, thôn Đâư Linh, xã Chi Lăng: “Lựa chọn giống thạch khỏe – không sâu bệnh, áp dụng quy trình trồng thạch sạch”.

Vụ xuân vừa qua, gia đình tôi trồng 3 sào thạch đen. Để hạn chế  sâu bệnh gây hại, tôi đặc biệt quan tâm việc lựa chọn cây giống để trồng phải đảm bảo không bị sâu bệnh, cây khỏe. Cùng với đó, trong quá trình trồng, phủ rơm rạ lên luống không để cỏ mọc trùm lên cây thạch. Như vậy vừa hạn chế được các loại sâu, bệnh gây hại, vừa không phải phun các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, ảnh hưởng đến chất lượng thạch. Ngoài ra, trong quá trình thu hoạch, tôi dùng bạt trải xuống ruộng, sau đó cắt nhổ thạch để lên, tránh để xuống chân ruộng lẫn vào đất. Vì vậy, thạch của gia đình tôi luôn được các thương lái đến tận nhà thu mua.

Anh Hà Thái Sơn, quản lý xưởng sơ chế thạch đen (thuộc Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư Đức Quý, thôn Khuổi Só, xã Kim Đồng): “Ký cam kết với người dân đảm bảo quy trình sản xuất thạch sạch”.

Công ty thu mua thạch cây, sau đó sơ chế thành bột thạch và xuất khẩu đi các thị trường như: Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông.

Để đảm bảo chất lượng thạch, đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty ký cam kết với người dân chỉ thu mua thạch khi đảm bảo các tiêu chuẩn: không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc bảo quản trong cây thạch; thạch đảm bảo sạch, không có bùn đất, cỏ lẫn trong cây thạch. Trước khi thu mua, công ty lấy mẫu thạch để xét nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chất bảo quản, chương – chất thạch cô đặc nhiều, nếu đảm bảo mới thu mua. Qua thực tế, với các yêu cầu như trên, người dân ngày càng thay đổi cách sản xuất, bảo quản để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đỗ Hoạt – Bùi Dũng