Thứ sáu,  20/09/2024

Thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng: Quyết liệt, hiệu quả

(LSO) – Thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng (VS, TĐKT) môi trường chăn nuôi trên địa bàn (đợt 2/2019), các cấp chính quyền, ngành chức năng đã và đang vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện. Qua đó, nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường, hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát, lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Để thực hiện tháng VS, TĐKT đạt hiệu quả cao, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch về thực hiện tháng VS, TĐKT môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (đợt 2) năm 2019 từ ngày 15/10 đến 15/11. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố đã và đang tích cực triển khai các biện pháp, đảm bảo đạt hiệu quả cao.

Cán bộ kỹ thuật – Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lạng Sơn phun tiêu độc khử trùng tại chợ Giếng Vuông

Tại thôn Nà Sèn, xã Hoàng Đồng (thành phố Lạng Sơn), để thực hiện hiệu quả tháng VS, TĐKT, người dân trong thôn chủ động vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, quét dọn đường ngõ xóm. Đồng thời, trưởng thôn, thú y viên xã phối hợp cùng các hộ dân phun tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng nuôi gia súc, gia cầm của các hộ. Bà Vũ Thị Thúy, thú y viên xã Hoàng Đồng cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND xã về triển khai tháng VS, TĐKT trên địa bàn, tôi đăng ký và lấy hóa chất, bình phun từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố. Đến nay, tôi đã phối hợp với trưởng thôn, người dân phun được các thôn: Nà Sèn, Nà Pàn, Chi Mạc – Nà Kéo, đang tiếp tục phun tại các thôn còn lại. Theo bà Thúy, đợt VS, TĐKT lần này, người dân rất chủ động trong vệ sinh chuồng nuôi, tích cực phối hợp với thú y viên để thực hiện phun tiêu độc, khử trùng hiệu quả. Cùng với đó, một số hộ dân chủ động xin thêm thuốc sát trùng để phun trong thời gian tiếp theo.

Không chỉ xã Hoàng Đồng, các xã, phường trên địa bàn thành phố đều xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào VS, TĐKT. Trong đó chú trọng đến các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nơi tập kết, chợ buôn bán gia súc, gia cầm. Ông Lý Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Lạng Sơn cho biết: Để thực hiện có hiệu quả tháng VS, TĐKT, trung tâm đã cấp phát 200 lít thuốc sát trùng, 10 bình phun cho các xã, phường. Cùng với đó, trung tâm thành lập tổ phun để thực hiện phun tiêu độc khử trùng sau mỗi buổi chợ tại các chợ buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Tại huyện Hữu Lũng, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện tháng VS, TĐKT môi trường chăn nuôi trên địa bàn huyện (đợt 2/2019). Theo đó, các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tích cực triển khai các biện pháp. Các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ phun; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại chăn nuôi và triển khai phun trên địa bàn. Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn xảy ra dịch lở mồm long móng trên đàn lợn, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, việc phun tiêu độc khử trùng được thực hiện trên diện rộng với nồng độ thuốc sát trùng đậm đặc hơn. So với tháng VS, TĐKT đợt 1 (đầu năm 2019) – lượng thuốc sát trùng chỉ phun hết khoảng 300 lít đến 400 lít thì đợt 2 này, trung tâm chuẩn bị 1.300 lít thuốc sát trùng, 20 bình phun đảm bảo cung cấp đủ cho các xã, thị trấn. Đối với các chợ bán thịt gia súc, gia cầm sống, trung tâm cấp thuốc sát trùng để các hộ kinh doanh buôn bán tự  phun sau mỗi buổi chợ.

Không chỉ 2 huyện trên, các huyện, thành phố, cơ quan chuyên môn đã và đang tích cực triển khai các biện pháp. Việc được thực hiện đối với các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ gia súc, gia cầm; chợ có buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật; khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng chi cục Thú y cho biết: Đến nay, Chi cục đã cấp cho các huyện, thành phố 7.000 lít thuốc sát trùng, trên 100 bình phun. Việc VS, TĐKT lần này có ý nghĩa quan trọng, bởi giai đoạn chuyển mùa là điều kiện lý tưởng cho mầm bệnh tồn tại và gây bệnh cho đàn vật nuôi; bệnh dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã được kiểm soát nhưng mầm bệnh vẫn còn ở một số xã trong tỉnh;… Vì vậy, chi cục cấp phát đầy đủ thuốc sát trùng, phương tiện bảo hộ để đảm bảo phun theo nhu cầu các huyện, thành phố.

ĐỖ HOẠT