Thứ sáu,  20/09/2024

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

(LSO) – Có lợi thế về hệ thống cửa khẩu biên giới, hoạt động trao đổi hàng hóa, xuất nhập khẩu diễn ra sôi động, tuy nhiên, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế  -xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế cửa khẩu của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 257,9 triệu USD. So sánh với các tỉnh trong khu vực phía Đông Bắc, Lạng Sơn đứng trên tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn.

Trong số các huyện, thành phố của tỉnh, thành phố Lạng Sơn có nhiều dự án đăng ký và đặt văn phòng hoạt động với 12 dự án; huyện Văn Lãng có 6 dự án; Cao Lộc có 4 dự án; Hữu Lũng có 5 dự án; Lộc Bình có 2 dự án và Đình Lập có 1 dự án. Tính theo quốc gia đầu tư, các nhà đầu tư đến từ: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan chiếm chủ yếu với 26 dự án còn hiệu lực, còn lại là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.

Mặc dù vậy nhưng các dự án có quy mô nhỏ và vừa chiếm chủ yếu, một số dự án có quy mô lớn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nhưng tiến độ xây dựng rất chậm như: dự án khách sạn sân golf Hoàng Đồng, dự án sản xuất lắp ráp ô tô Dragon Miền Bắc.

Sản xuất bút bi tại Công ty TNHH Thực nghiệp Tân Hải Lạng Sơn (doanh nghiệp Trung Quốc), tại thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng.

Đáng chú ý trong số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực và đang hoạt động có tới 19 dự án được cấp phép từ trước năm 2010. Giai đoạn 2010 đến 2019, toàn tỉnh thu hút được 11 dự án đầu tư nước ngoài, trong các năm: 2014, 2015 và 2019, tỉnh không thu hút được dự án nào.

Theo tìm hiểu, mặc dù tỉnh có lợi thế về cửa khẩu biên giới nhưng đây cũng là khó khăn trong thu hút đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn khi làm thủ tục thuê đất để thực hiện dự án, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật, nhà đầu tư còn phải chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Đối với các dự án thực hiện trong khu vực nội địa thì vấn đề giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch thực hiện kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Do tỉnh chưa tạo được quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư đến với Lạng Sơn.

Công ty liên doanh vận tải ô tô Sơn Đức được cấp phép đầu tư năm 2004, đến nay đã có 15 năm hoạt động nhưng đã phải chuyển trụ sở và văn phòng làm việc đến 4 lần. Nguyên nhân là đơn vị này chưa thuê được mặt bằng của nhà nước lâu dài để hoạt động sản xuất kinh doanh, Ông Nguyễn Duy Hiền, Phó Tổng giám đốc liên doanh cho biết: Khó khăn nhất đối với công ty hiện nay là thiếu mặt bằng sạch để công ty mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Công ty cũng đã có văn bản đề nghị tỉnh cho thuê đất với diện tích khoảng 2 ha, nhưng tỉnh thiếu quỹ đất sạch nên đến nay đơn vị vẫn chưa được đáp ứng. Muốn có đất cho doanh nghiệp thuê tỉnh phải thực hiện giải phóng mặt bằng. Nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để giải phóng mặt bằng  phải thỏa thuận với chi phí sẽ rất lớn, kèm theo đó là rất nhiều thủ tục pháp lý khác. Đây là vướng mắc lớn nhất để doanh nghiệp có được mặt bằng ổn định hoạt động và mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Bà Dương Thị Hoan, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Vấn đề thẩm định hồ sơ dự án đầu tư nước ngoài luôn được phòng tham mưu cho lãnh đạo sở thực hiện đảm bảo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Nhưng vấn đề mặt bằng “sạch” lại đang rất thiếu.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông, khu cụm công nghiệp, khu trung chuyển, khu chế xuất trong khu kinh tế cửa khẩu. Đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch xây dựng đang thực hiện rà soát điều chỉnh bảo đảm đồng bộ với phù hợp với yêu cầu tăng trưởng.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát xây dựng quy hoạch, cập nhật kế hoạch sử dụng đất dọc tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn vào kế hoạch sử dụng đất tổng thể toàn tỉnh trình tỉnh xem xét quyết định.

Tại khu vực cửa khẩu, tỉnh đã hình thành được một số diện tích mặt bằng sạch để thu hút đầu tư. Cụ thể như diện tích mặt bằng trên 15 ha tại khu phi thuế quan thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Triển khai quy hoạch đất đai dọc theo tuyến đường phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa đấu nối giữa cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả phong (Trung Quốc).

Song song với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án, khu cụm công nghiệp do doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác tuyên truyền xúc tiến đầu tư, xử lý nghiêm đối với các dự án cố tình kéo dài thời gian không hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

TRANG NINH