Thứ sáu,  20/09/2024

Đảm bảo an toàn khi tái đàn lợn

(LSO) – Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh, đến cuối tháng 11/2019, tổng đàn lợn trên toàn tỉnh có khoảng 95 nghìn con, tăng 15 nghìn con so với thời điểm tháng 9/2019. Tổng đàn tăng nhanh là do các hộ chăn nuôi đang khẩn trương tái đàn. Tuy nhiên, hầu hết các hộ tái đàn tự phát, điều này tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

So với thời điểm tháng 9/2019, đàn lợn trên địa bàn huyện Bắc Sơn tăng lên hơn 1.100 con. Ông Dương Hữu Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Thời gian qua, theo thông tin từ các thú y viên cơ sở, đã có khá nhiều hộ thực hiện tái đàn lợn, đến thời điểm hiện tại đã có đàn đến thời điểm xuất bán. Trung tâm vẫn khuyến cáo các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thời điểm này chưa nên tái đàn, hoặc nếu có tái đàn cần thông tin để cơ quan chuyên môn hỗ trợ, khuyến cáo, tuy vậy, hầu hết các hộ chăn nuôi đều tự ý tái đàn và không thông tin nên việc này rất khó kiểm soát.

Cán bộ thú y thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi

Không chỉ tại huyện Bắc Sơn, số lượng đàn lợn ở các huyện và thành phố trong thời gian qua đều tăng so với thời điểm tháng 9/2019. Nguyên nhân là thời gian qua, giá lợn hơi liên tục tăng nên nhiều hộ chăn nuôi lợn đã “nóng ruột” tái đàn. Tuy vậy, các hộ dân chưa thông tin cho chính quyền cơ sở và cơ quan chuyên môn, do đó, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thú y trước khi tái đàn chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Trường hợp các hộ chăn nuôi lợn ở huyện Bắc Sơn như vậy là may mắn. Từ tháng 9/2019 đến nay, đã có một số hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn nhưng lợn tiếp tục bị ốm chết do tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đến thời điểm hiện tại, vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tồn tại trong môi trường, đặc biệt, tại những khu vực chuồng trại đã có lợn bị nhiễm dịch trước đây. Do đó, việc các hộ chăn nuôi tự ý tái đàn lợn mà không có sự kiểm soát của cơ quan thú y sẽ rất nguy hiểm, nếu dịch tái phát thì sẽ không chỉ ảnh hưởng và gây thiệt hại cho chính hộ chăn nuôi đó mà còn ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của cả xã, cả huyện.

Ngày 7/8/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính đã có Hướng dẫn liên ngành số 1567/HDLN-SNN-STC hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tái đàn lợn. Theo đó, các hộ chăn nuôi cần thực hiện tái đàn lợn theo đúng quy định.

Người chăn nuôi xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn chăm sóc đàn lợn mới tái

Cụ thể, các hộ chăn nuôi trước khi tái đàn phải thông tin đến chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn. Sau khi cơ quan chuyên môn về lĩnh vực thú y kiểm tra khu vực chăn nuôi thấy đảm bảo điều kiện chăn nuôi, đảm bảo các quy định về an toàn thú y thì mới thực hiện tái đàn. Bên cạnh đó, quy mô tái đàn phải thực hiện theo Hướng dẫn số 1567, đó là, quy mô tái đàn lần 1 chỉ ở mức 10% so với tổng đàn chăn nuôi trước khi có dịch; sau 30 ngày, cơ quan chuyên môn kiểm tra, nếu đàn lợn âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì mới tiếp tục thực hiện tái đàn lần 2 với quy mô 50% đàn lợn chăn nuôi trước khi có dịch.

Trước tình hình các hộ chăn nuôi tái đàn lợn một cách tự phát,  trung tâm dịch vụ nông nghiệp, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thành phố đang thực hiện rà soát, cùng UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tập trung hướng dẫn  các cơ sở, các hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các điểm chăn nuôi; thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi lợn, trường hợp tái đàn phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của chủ tịch UBND cấp xã. Kể từ tháng 11/2019, các cơ sở chăn nuôi tái đàn chưa được chủ tịch UBND cấp xã đồng ý mà xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi thì không được hỗ trợ thiệt hại từ  ngân sách Nhà nước.

TRÍ DŨNG