Thứ sáu,  20/09/2024

Hội Cựu chiến binh xã Chi Lăng năng động phát triển kinh tế

(LSO) – Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống từ tiềm lực của địa phương.

Hội CCB xã Chi Lăng có 228 hội viên sinh hoạt tại 13 chi hội. Thời gian qua, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được hội xác định là một nội dung trọng tâm và được cụ thể hóa thành các hoạt động thiết thực nhằm đưa phong trào lan tỏa sâu rộng.

Từ sự hỗ trợ của Hội CCB xã Chi Lăng, anh Hoàng Văn Trình, hội viên Chi hội CCB thôn Đồng Đĩnh, đã xây dựng thành công mô hình trồng bưởi Diễn mang lại thu nhập cao. Anh Trình chia sẻ: Năm 2006, được hội CCB xã hỗ trợ hơn 200 cây giống bưởi Diễn, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng bưởi. Nhờ chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, vườn bưởi của tôi phát triển tốt, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Nhận thấy cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao nên tôi đã mở rộng quy mô lên 700 cây.

Anh Hoàng Văn Trình, hội viên Hội CCB thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng chăm sóc vườn bưởi Diễn

Từ lợi thế địa phương có nhiều loại nông sản được thị trường ưa chuộng, anh Hồ Văn Học, hội viên Chi hội CCB thôn Minh Khai đã phát triển dịch vụ thu mua và chế biến nông sản như: na, vải… Vào mùa vụ, anh thu mua 7 đến 10 tấn quả/ngày, thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ. Năm 2018, anh đầu tư hệ thống máy móc, xây dựng mô hình sản xuất và kinh doanh miến rong. Nhờ mô hình này, anh đã giúp bà con tiêu thụ gần 200 tấn củ/năm, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động tại địa phương và  thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm.

Ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch Hội CCB xã Chi Lăng cho biết: Mô hình sản xuất và kinh doanh của anh Trình và anh Học là hai trong nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của hội. Để có được kết quả như ngày hôm nay, chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền hội viên mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả để nhân rộng trong hội viên.

Để hỗ trợ hội viên vay vốn, hội đã đứng ra nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chi Lăng. Hiện nay, tổng dư nợ hội đang quản lý hơn 3 tỉ đồng với 110 lượt hộ vay. Các hội viên sử dụng vốn vay  chủ yếu để phát triển mô hình trồng cây ăn quả như: na, bưởi. Đến nay, các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống hội viên ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, hội còn vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ hội để cho hội viên vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi.

Từ năm 2019 đến nay, hội còn phối hợp với các ban, ngành mở được 7 lớp tập huấn cho hội viên về: áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi, đưa những cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác, đặc biệt là cây na dai, bưởi. Hội tuyên truyền cho hội viên tham gia sản xuất na, bưởi an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Kết quả, có 30 hộ tham gia các tổ hợp tác sản xuất na, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, 4 hộ sản xuất na theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 170 hộ đăng ký sản xuất na an toàn. Nhờ đó, các gia đình hội viên có thu nhập cao ngày càng tăng. Hiện nay, hội có hơn 75% hộ có thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm.

Ông Tô Thiết Hùng, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Chi Lăng cho biết: Hội CCB xã Chi Lăng luôn quan tâm sâu sát, có nhiều hoạt động thiết thực để thúc đẩy hội viên phát triển sản xuất, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế điển hình, đời sống của hội viên không ngừng được nâng lên. Hội CCB huyện đã lựa chọn Hội CCB xã Chi Lăng làm điểm về xây dựng mô hình điển hình về phát triển kinh tế.

Với kết quả đã đạt được, năm 2019, Hội CCB xã Chi Lăng có 219/228 hội viên gương mẫu, đạt 96%. Trong 3 năm liên tục (2017 –  2019), hội vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”.

THU DIỄM