Thứ sáu,  20/09/2024

Thịt lợn tăng giá trở lại

Sau những nỗ lực của ngành nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan, từ nửa cuối tháng 2, thịt lợn đã bắt đầu giảm giá. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 3, thịt lợn bất ngờ tăng giá trở lại.

Thịt lợn tăng giá trở lại

Giá thịt lợn liên tục tăng khiến việc buôn bán của các tiểu thương tại chợ cũng trầm lắng hơn.

 

Giá thịt lợn hơi tại Hà Nội dao động ở mức 88.000-91.000 đồng/kg, còn ở tại các tỉnh, thành phố phía nam cũng rơi vào khoảng 75.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Trước đó, giá lợn chỉ dao động trong khoảng từ 69.000 đến 72.000/kg.

Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như Kim Liên, Thành Công, Gốc Đề,… giá thị lợn ba rọi ở mức 170.000 đồng/kg, dẻ sườn lợn ở mức 170.000 – 180.000 đồng/kg, nạc thăn 160.000 đồng/kg….

Các tiểu thương cho biết, mỗi tạ lợn móc hàm giá tăng tiền triệu. Mấy hôm nay, giá tăng từng ngày, hiện, lợn hơi lên mức xấp xỉ 90.000 đồng/kg, lợn móc hàm cũng ở mức xấp xỉ 130.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai, Hà Nội), cho biết: “Không hiểu sao mà thị trường đột nhiên tăng nhanh tới mức chóng mặt như vậy. Hiện, chúng tôi vẫn đang nghe ngóng để thông tin tới khách hàng. Nếu đến ngày 5-3 giá lợn vẫn cao như thế này thì buộc chúng tôi phải điều chỉnh giá”, ông Tường cho biết.

Theo một số thương lái nguyên nhân việc lợn tăng giá trở lại là do số lượng lợn doanh nghiệp xuất bán không nhiều, thương lái khó tiếp cận, nên khi ra đến thị trường lợn phải chênh lên vài giá trong khi lợn trong dân không có nhiều nên giá bị đẩy lên cao. Nếu tình trạng khan hiếm còn kéo dài, giá lợn hơi có thể sẽ lập đỉnh mới.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời gian qua dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả nên nguồn cung thịt lợn hiện khá dồi dào.

Thống kê của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y ở các địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho thấy, tổng đàn lợn cả nước hiện nay là gần 25 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái. Từ tháng 1-2020, bắt đầu có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn và sẽ tăng cao từ tháng 2-2019.

Từ thực tế tái đàn ở các địa phương, Bộ NN-PTNT dự báo khả năng bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn bốn triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP).

Cụ thể, tháng 2-2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 330.000 tấn; tháng 3 khoảng 350.000 tấn; tháng 4 khoảng 360.000 tấn; tháng 5 khoảng 360.000 tấn; tháng 6 khoảng 365.000 tấn. Quý III-2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt 1,098 triệu tấn; quý IV là 1,145 triệu tấn.

Trong khi đó, giữa tháng 2 vừa qua, khi làm việc với Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam thừa nhận, đến nay doanh nghiệp này đã cơ bản phục hồi được đàn lợn nái so với lúc trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thậm chí còn tăng khoảng 5% so với năm 2019. Bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 17 nghìn con lợn thịt.

Tương tự, Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng thông tin, hiện tổng đàn nái của công ty đã tăng 5% so với trước khi bị dịch, hiện 6.000 con. Từ nay đến cuối năm, công ty sẽ tăng 5% tổng đàn. Tổng đàn lợn của công ty hiện 250.000 con; trong đó gia công khoảng 150 nghìn con.

Trước đó, hưởng ứng lời lời kêu gọi Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành giảm giá lợn sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát hồi giữa tháng 2, các doanh nghiệp như CP, Green Feed, Mavin, Dabaco cũng như nhiều tập đoàn khác đưa ra giá lợn hơi bán ra thị trường ở mức 72.000-75.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá lợn hơi đang diễn biến khá phức tạp, giá thịt lợn các loại vẫn ở mức cao, người tiêu dùng phải mua thịt với giá tương đối đắt đỏ.

Theo Nhandan