Thứ sáu,  20/09/2024

Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”

LSO-Sáng nay (18/3), Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau 10 năm thực hiện, đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, 14 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó diện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (mục tiêu đề ra là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (mục tiêu đề ra 4 triệu tấn);…

Giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Đến nay, Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác, mỗi năm xuất khẩu từ 5 đến 7 triệu tấn gạo.

Tại Lạng Sơn, việc triển khai thực hiện đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2019, tổng sản lượng lương thực đạt 213 nghìn tấn, tăng 19 nghìn tấn so với năm 2009, an ninh lương thực trên địa bàn được đảm bảo; hình thức tổ chức có nhiều điểm mới, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân ngày càng được quan tâm phát triển; tiến bộ khoa học kỹ thuật được tăng cường áp dụng vào sản xuất;…

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả đề án trong thời gian tới như: công tác quản lý, quy hoạch đất đai trong nông nghiệp; tái cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích đất sản xuất lúa, tăng năng suất, chất lượng các loại nông sản. Các vấn đề như: tích tụ đất đai, đầu tư cho nông nghiệp, xuất khẩu lương thực, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp cũng được các đại biểu đề cập…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian tới cần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, lương thực theo từng thời kỳ, giai đoạn; thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu nông sản từ 9% đến 10%/năm; rà soát tài nguyên đất đai, phát huy lợi thế từng vùng, tăng tỉ lệ che phủ rừng.

Để thực hiện mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp đề ra trong báo cáo. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát diện tích trồng lúa phù hợp với Luật Quy hoạch và định hướng của thị trường trình Quốc hội và Chính phủ điều chỉnh. Bộ NN&PTNT tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo; xây dựng đề án về an ninh lương thực quốc gia giai đoạn 2021-2030 để trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.

ĐỖ HOẠT