Thứ năm,  19/09/2024
Phát triển thương mại – dịch vụ:

Sức bật từ một nghị quyết

LSO-Ngày 18/6/2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TU về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 41). Sau 8 năm thực hiện, thương mại – dịch vụ ngày một phát triển, đang trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh.


Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Bình Cam, thành phố Lạng Sơn

Thu hút nguồn lực

Ngay khi triển khai Nghị quyết số 41, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, triển khai các chính sách ưu đãi phát triển thương mại – dịch vụ, thu hút đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, khai thác hiệu quả hàng trăm nghìn tỷ đồng vào xây dựng hạ tầng thương mại – dịch vụ đồng bộ từ biên giới đến nội địa.

Đối với thương mại biên giới, hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và các khu vực cửa khẩu khác liên tục được đầu tư, phát triển. Giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh đã bố trí trên 8.550 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách trung ương và của tỉnh để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng yếu tại khu vực cửa khẩu và thành phố Lạng Sơn.

Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, nhiều công trình quan trọng khu vực cửa khẩu đã được đầu tư hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả như: tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) đấu nối với khu XNK hàng hóa Khả Phong thuộc thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc); các tuyến đường đấu nối đường bộ qua biên giới tại các cửa khẩu… Và hiện tỉnh đang triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng Khu trung chuyển hàng hóa và Khu chế xuất 1, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động thương mại biên giới.

Về thương mại nội địa, theo thống kê của ngành công thương, giai đoạn 2011 – 2019, vốn đầu tư cải tạo nâng cấp chợ, xây mới chợ, trung tâm thương mại là 1.544 tỷ đồng, trong đó, vốn từ ngân sách là 19 tỷ đồng, vốn xã hội hóa là 1.525 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 83 chợ, trong đó có 62 chợ nông thôn; 3 siêu thị, 3 trung tâm thương mại. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi bán lẻ hiện đại như Vinmart+ và hệ thống gần 20.000 điểm, cơ sở kinh doanh bán lẻ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của dân cư.


Xe hàng chuẩn bị xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị


Thúc đẩy tăng trưởng

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của toàn ngành thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh, cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết số 41 đề ra, như: giai đoạn 2011 – 2015 có tốc độ tăng trưởng bình quân 10,76% (mục tiêu 10 – 11%); giai đoạn 2016 – 2020 ước tăng 7,4% và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó, lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 51% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Với thương mại biên giới, hằng năm có trên 3.000 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong cả nước tham gia XNK qua địa bàn tỉnh với tổng kim ngạch XNK bình quân giai đoạn 2011 – 2020 tăng trên 10%/năm, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 đạt 14,6%, vượt so với mục tiêu nghị quyết đề ra (14%). Thương mại nội địa phát triển phong phú và đa dạng, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ bình quân giai đoạn 2011 – 2015 tăng 12,71%; giai đoạn 2016 – 2020 ước tăng 10,3% và tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 22.360 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương, đến nay, hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn tỉnh tương đối đa dạng, cơ bản cung ứng đầy đủ, kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho đời sống và sản xuất, kinh doanh, kể cả ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn. Đặc biệt, tại thành phố Lạng Sơn, một số huyện và khu vực cửa khẩu đã và đang hình thành, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn,… một số chợ ở khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị – thương mại chung toàn tỉnh.

Ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Tới đây, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực xã hội hóa phát triển kết cấu hạ tầng thương mại – dịch vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại trong các thủ tục về quản lý đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn.

 ANH DŨNG