Thứ năm,  19/09/2024
Tràng Định

Tăng thu từ chuyển đổi cây trồng

LSO-Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tràng Định mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu như: bắp cải, su hào, dưa chuột… Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Từ rau màu, người dân xã Đề Thám, huyện Tràng Định
có nguồn thu nhập ổn định hằng năm

Những ngày cuối tháng 3/2020, gia đình ông Lương Văn Hải, thôn Nà Ao 2, xã Đề Thám đang tích cực chăm sóc dưa chuột để chuẩn bị thu hoạch. Ông Hải cho biết: Diện tích trồng rau màu của gia đình khoảng 3 sào, tùy theo mùa vụ sẽ trồng những loại rau phù hợp như bắp cải, su hào, súp lơ…Thời điểm này, gia đình đang tập trung chăm sóc dưa chuột, trung bình 1 sào gia đình ông thu về khoảng 7 triệu đồng/vụ, đây là nguồn thu nhập chính và luôn ổn định từ mấy năm nay. Theo ông Hải, cùng một diện tích nhưng rau màu cho thu nhập gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa.

Cũng như gia đình ông Hải, hiện nay, trên địa bàn xã Đề Thám đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với diện tích trồng cây nông nghiệp truyền thống kém hiệu quả, người dân chủ động trồng rau màu cho thu nhập cao hơn. Hiện nay, toàn xã Đề Thám có khoảng 25 ha rau màu các loại, tập trung ở các thôn: Kéo Lày, Pác Luồng, Nà Ao 1, Nà Ao 2…với khoảng 290 hộ dân trồng.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vài năm trở lại đây, diện tích trồng rau màu của xã tăng dần. Mặc dù vẫn phải tự chủ động tìm đầu ra cho thương phẩm nhưng thực tế, rau màu cho thu nhập cao hơn hẳn so với ngô, lúa. Nhiều hộ dân trong xã đã có được nhà cửa khang trang, tài sản giá trị nhờ sản phẩm này. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã là 38 triệu đồng/người/năm.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được tập trung đẩy mạnh và tăng dần theo từng năm, đúng theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa huyện đã đề ra. Cụ thể như năm 2017, trên địa bàn huyện Tràng Định có khoảng 200 ha rau màu thì đến năm 2020 đã có khoảng 340 ha cây rau màu các loại như: su hào, bắp cải, xà lách, bí, dưa chuột… tập trung chủ yếu tại thị trấn Thất Khê, xã Đề Thám, Chi Lăng, Đại Đồng…

Thời điểm bà con tập trung gieo trồng nhiều nhất sau tết âm lịch đến tháng 3, 4 năm sau, khi thời tiết thuận lợi vừa nắng lại có mưa ẩm là điều kiện để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Để giúp bà con nâng cao giá trị cây rau màu, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn về trồng rau, trung bình một năm mở được 10 – 15 lớp (cả chuyên đề và lồng ghép) để hỗ trợ bà con trong gieo trồng, sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền người dân mở rộng diện tích, tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất rau xanh, từ đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.

Thực tế cho thấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần đa dạng hóa mô hình sản xuất, làm phong phú chủng loại và tăng số lượng sản phẩm hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Ông Từ Trọng Hiếu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện nay, huyện thực hiện vận động bà con nhân dân mở rộng diện tích trồng màu ở những nơi có điều kiện phù hợp để nâng cao thu nhập, nhất là những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngoài tập huấn, hướng dẫn bà con, năm 2019, huyện đã cho triển khai thí điểm mô hình tưới tiết kiệm tại thôn Nà Ao 1, Kéo Lày của xã Đề Thám bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, qua một thời gian thực hiện nếu hiệu quả sẽ tiến hành nhân rộng để giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Tràng Định. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 11,64% , giảm 15,86% so với năm 2015. Đây chính là một trong những tín hiệu tích cực của việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong sản xuất, giúp bà con tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

 THANH MAI