Thứ sáu,  20/09/2024

Nuôi vịt cổ xanh – hướng phát triển kinh tế hiệu quả

LSO-Vịt cổ xanh là vật nuôi tiêu thụ ít thức ăn, thích hợp với nhiều điều kiện chăn nuôi, có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, nếu đầu tư theo hướng hàng hóa sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ cho người chăn nuôi.


Người dân xã Châu Sơn, huyện Đình Lập đầu tư máy ấp trứng
nhằm chủ động nguồn giống vịt cổ xanh

Vịt cổ xanh là giống vật nuôi gần gũi với người dân trên địa bàn tỉnh. Ưu điểm nổi bật của giống vịt này là mẫu mã đẹp, khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng, vịt có bộ lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, phần cổ chuyển sang màu xanh biếc rất đẹp. Đặc biệt, thịt vịt cổ xanh có chất lượng thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số giống ngoại nhập có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn chiếm ưu thế nên giống vịt cổ xanh gần như biến mất khỏi thị trường.

Đầu năm 2019, UBND xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập đã chủ động nghiên cứu đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng để lựa chọn vật nuôi phù hợp. Với điều kiện địa bàn xã có sông suối lớn, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi vịt, UBND xã lựa chọn giống vịt cổ xanh làm vật nuôi chủ lực và xác định đây là sản phẩm đặc trưng của xã. Để xây dựng mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh, vấn đề khó nhất là tìm mô hình để học tập và con giống. Qua tìm hiểu, cán bộ xã đã học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi vịt cổ xanh thương phẩm tại tỉnh Sơn La, đồng thời lấy con giống tại đây để nuôi thử nghiệm.

Anh Đinh Gia Vinh, thôn Nà Pẻo, xã Bắc Lãng cho biết: Tháng 6/2019, gia đình tôi nuôi lứa đầu tiên với số lượng 5.000 con. Để nâng cao chất lượng vịt cổ xanh, hạn chế vịt mắc bệnh, gia đình tôi đầu tư chuồng trại theo hình thức bán chăn thả.

Theo đó, chuồng nuôi được xây dựng kiên cố, sàn cách đất khoảng 50 cm, trải lưới bên trên nhằm hạn chế bệnh do vịt tiếp xúc với mặt đất ẩm ướt, đồng thời dễ dàng vệ sinh, thu gom chất thải. Để chủ động nguồn con giống, gia đình anh Vinh đầu tư 40 triệu đồng trang bị máy ấp trứng. Cùng đó, đầu tư máy băm, thái rau xanh, máy ép viên để chế biến thức ăn cho vịt.

Khác với những giống vịt nhập ngoại – thời gian nuôi chỉ khoảng 50 ngày, vịt cổ xanh có thời gian nuôi 3 đến 4 tháng mới cho xuất chuồng kết hợp với việc được nuôi chủ yếu bằng các loại rau xanh, ngô, khoai, sắn, hình thức nuôi bán chăn thả trên sông nên thịt luôn thơm ngon, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo tính toán, mỗi con vịt cổ xanh từ 20 ngày tuổi đến khi đạt tiêu chuẩn xuất chuồng (từ 1,8 kg đến 2,2 kg) tốn 110.000 đồng chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh, nếu nuôi chủ yếu bằng thức ăn thô thì chỉ hết khoảng 90.000 đồng. Với giá bán khoảng 170.000 đồng/con, người chăn nuôi thu lãi khoảng 70.000 đồng/con. Với mô hình thử nghiệm 5.000 con ban đầu, gia đình anh Vinh có thu nhập khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Qua thử nghiệm cho thấy: vịt cổ xanh có ưu điểm tiêu thụ ít thức ăn, phù hợp với các loại thức ăn sẵn có trên địa bàn như: rau, cỏ, ngô, khoai, sắn, vịt ít bệnh, phù hợp với nhiều điều kiện chăn nuôi nên người chăn nuôi không mất nhiều công chăm sóc. Công sức bỏ ra ít nhưng lợi nhuận thu về tương đối cao.

Bà Lý Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập cho biết: Sau gần 1 năm thí điểm, mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh theo hướng bán chăn thả mang lại cho người nuôi nguồn thu nhập ổn định. Chúng tôi đang nghiên cứu các hình thức quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cùng đó, khuyến khích người dân trên địa bàn xã học tập, áp dụng. Hiện nay, ở các tỉnh phía Bắc chỉ có 2 – 3 cơ sở chăn nuôi vịt cổ xanh, do thị trường tiêu thụ rộng nên chăn nuôi vịt cổ xanh là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

THỤC QUYÊN