Thứ sáu,  20/09/2024

Tràng Định: Triển vọng phát triển cây mắc ca

(LSO) – Tràng Định với điều kiện về khí hậu, đất đai thuận lợi cho phát triển cây mắc ca, vì vậy, hiện nay, người dân trên địa bàn và doanh nghiệp đầu tư phát triển cây mắc ca. Từ đó, tạo đà để Tràng Định hướng tới phát triển mắc ca thành vùng nguyên liệu, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Sau khi tìm hiểu thông tin qua các kênh truyền thông, tham dự hội thảo về phát triển cây mắc ca, nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, bà Nguyễn Thị Hảo, thôn Bản Slào, xã Quốc Việt đầu tư trồng 1 ha cây mắc ca cuối năm 2019. Theo bà Hảo, trồng mắc ca đòi hỏi quy trình kỹ thuật hơn một số cây khác như keo, bạch đàn. Trong đó, sau khi quốc hố, phải phơi đất từ 2 – 3 tuần để khử nấm, mối, mỗi hố bón lót từ 25-30 kg phân chuồng ủ. Ngoài ra, khoảng cách trồng mắc ca rộng hơn trồng cây khác, mỗi cây cách nhau 7 m, hàng cách hàng 5 m, 1 ha trồng được khoảng 300 cây;…

Vườn ươm cây giống mắc ca của Công ty Cổ phần Liên Việt Lạng Sơn tại xã Quốc Việt

Bà Hảo cho biết: Để trồng mắc ca được đảm bảo, tôi mua giống của Công ty Cổ phần Liên Việt Lạng Sơn – là công ty gieo ươm cây giống của Hiệp hội mắc ca Việt Nam. Ngoài ra, tôi tham gia Hiệp hội mắc ca Việt Nam Chi nhánh tại Lạng Sơn, được hiệp hội hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng trồng thêm mắc ca.

Không chỉ gia đình bà Hảo, hiện người dân một số thôn trên địa bàn xã Quốc Việt đầu tư trồng cây mắc ca, như các thôn: Nà Lình, Cốc Muống, Bản Slào,… với diện tích khoảng 4 ha. Theo ông Hoàng Tuấn Cường, Chủ tịch UBND xã Quốc Việt, hiện trên địa bàn xã còn nhiều tiềm năng về đất đai (trên 100 ha) để phát triển cây mắc ca. Trên địa bàn xã chưa có cây trồng là cây chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, xã chủ trương phát triển trồng mắc ca trên địa bàn là cây chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp trồng mắc ca trên địa bàn xã.

Thời gian qua, người dân một số xã trên địa bàn huyện Tràng Định như: Quốc Việt, Quốc Khánh, Tân Minh, Hùng Sơn, Tri Phương,… đầu tư trồng cây mắc ca. Tuy vậy, việc trồng còn nhỏ lẻ với tổng diện tích khoảng 10 ha. Để phát triển cây mắc ca trên địa bàn, trong đầu tháng 3/2020, huyện Tràng Định phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Liên Việt tổ chức hội thảo về phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện (điều kiện trồng, quy trình chăm sóc, thu hoạch, thị trường tiêu thụ,…) tại xã Quốc Việt với sự tham gia của đông đảo nhân dân, lãnh đạo một số xã của huyện. Tại hội thảo, giáo sư Nguyễn Lân Hùng (chuyên gia về nông nghiệp), Phó Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam nhấn mạnh: “Điều kiện khí hậu, đất đai vùng Lạng Sơn, huyện Tràng Định rất thuận lợi cho phát triển cây mắc ca; thời gian cây cho thu hoạch quả kéo dài từ năm thứ 5 đến trên 80 năm; hiệp hội cam kết bao tiêu sản phẩm cho người trồng”.

Song song với đó, hiện nay, Công ty Cổ phần Liên Việt Lạng Sơn (thuộc Tập đoàn Liên Việt – LienViet Group) đã đầu tư phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện. Ông Dương Công Lương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Lạng Sơn cho biết: Hiện công ty đầu tư phát triển vườn ươm giống cây mắc ca trên địa bàn xã Quốc Việt với diện tích 4 ha để cung cấp giống đảm bảo chất lượng cho nhân dân. Cùng với đó, công ty phát triển trồng tại một số xã như: Quốc Việt, Đào Viên,… với diện tích gần 30 ha. Người dân mua giống trồng đều được công ty tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, tạo điều kiện kết nạp người trồng mắc ca trên địa bàn tham gia vào Hiệp hội mắc ca Việt Nam. Qua đó, người dân được hưởng một số ưu đãi về vay vốn tại ngân hàng Liên Việt để trồng mắc ca, bao tiêu sản phẩm,…

Thực tế, cây mắc ca đã được trồng tại các huyện: Văn Lãng, Lộc Bình, Cao Lộc, Bắc Sơn và cây phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện, huyện Tràng Định còn nhiều điều kiện về đất đai để phát triển trồng mắc ca. Bà Hướng Thị Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cây mắc ca nằm trong chủ trương phát triển nông – lâm nghiệp của huyện. Thời gian tới, cây mắc ca phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế, huyện sẽ chỉ đạo nhân rộng tại các xã, nhất là các xã phía đông như: Quốc Khánh, Chi Phương, Quốc Việt, Tân Minh, Đội Cấn,… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

ĐỖ HOẠT