Thứ sáu,  20/09/2024

Chi Lăng: Đẩy mạnh xã hội hoá trồng rừng

(LSO) – Trong những năm gần đây, huyện Chi Lăng đã thực hiện hiệu quả công tác phát triển rừng, trong đó, xã hội hoá trồng rừng, hình thành một số vùng rừng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá cho hiệu quả kinh tế cao.

Với lợi thế về đất đồi rừng, năm 2019, gia đình ông Lộc Văn Thành, thôn Nà Lầm, xã Chiến Thắng đầu tư mở rộng thêm diện tích rừng thông. Ông Thành chia sẻ: “Với gần 2 ha  rừng thông được trồng theo dự án Việt – Đức, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm, gia đình khai thác được hơn 1 tấn nhựa thông, bình quân thu được 300 triệu đồng/năm, đấy là chỉ tranh thủ cạo nhựa lúc nông nhàn. Thấy rừng cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, gia đình tôi quyết tâm đầu tư hơn 50 triệu đồng để mở rộng thêm 1 ha rừng thông, cây hợp đất phát triển rất tốt”.

Đến xã Chiến Thắng dễ dàng nhìn thấy bạt ngàn đồi thông xanh ngát ngút tầm mắt. Bởi đồi rừng đã được chính quyền xã và người dân xác định là kinh tế mũi nhọn. Hiện tổng diện tích rừng cả xã là 3.200 ha với độ che phủ đạt hơn 71%, trong đó chủ yếu là rừng thông với hơn 2.100 ha, còn lại là rừng tự nhiên. Năm 2020, xã đã đăng ký với huyện mục tiêu trồng mới hơn 150 ha rừng.

Ông Lộc Văn Thành, xã Chiến Thắng chăm sóc rừng thông của gia đình

Ông Linh Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Cái được lớn nhất trong công tác trồng rừng của xã những năm gần đây đó là ý thức tự giác của người dân. Ngoài việc trồng rừng theo chương trình hỗ trợ cây giống của nhà nước, người dân đã chủ động đầu tư nguồn vốn để mở rộng diện tích rừng. Như năm 2018, xã có hơn 20 ha rừng được trồng từ nguồn vốn xã hội hoá, đến năm 2019 nâng lên 45,3 ha và dự kiến năm 2020 được trên 40 ha.

Không chỉ xã Chiến Thắng thực hiện tốt công tác phát triển rừng mà những năm gần đây, UBND huyện Chi Lăng đã giao cho các xã, thị trấn xây dựng chương trình hành động phát triển kinh tế rừng, coi đó là một trong những chỉ tiêu thi đua quan trọng đăng ký hằng năm với huyện. Tại Nghị quyết số 25-NQ/HU ngày 27/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Chi Lăng đã xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp để tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó, trọng tâm là thực hiện hiệu quả công tác xã hội hoá trồng rừng và nâng cao chất lượng, giá trị rừng.

Từ chủ trương đó, năm 2016, huyện Chi Lăng tiến hành rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp của các xã để đảm bảo thực hiện tốt công tác xã hội hóa trồng rừng và hằng năm bổ sung quy hoạch đất lâm nghiệp. Tổ chức rà soát các loài cây lâm nghiệp thích hợp để đưa vào trồng sao cho phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng. Bên cạnh đó, huyện thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để trồng rừng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong giai đoạn 2016 – 2019, đã có hơn 40 dự án được UBND huyện phê duyệt để vay vốn đầu tư trồng rừng với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Toàn huyện đã trồng mới được 630 ha rừng bằng nguồn vốn xã hội hoá. Qua đó, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, huyện Chi Lăng trồng mới được 1.000 ha rừng. Đặc biệt, Chi Lăng đã hình thành một số vùng rừng kinh tế như: vùng  thông tại các xã: Chiến Thắng, Vân An, Liên Sơn, Lâm Sơn, Vân Thuỷ, Hữu Kiên với quy mô hơn 12.000 ha; vùng keo, bạch đàn tại các xã: Chi Lăng, Quang Lang, Quan Sơn, Nhân Lý, thị trấn Chi Lăng … quy mô 14.000 ha.

Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Những năm gần đây, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan như: Chi cục Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi trồng rừng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cung ứng cây giống kịp thời vụ và tăng cường giám sát, quản lý giống theo chuỗi hành trình để chủ động giống trên địa bàn nhằm hạn chế việc người dân phải nhập cây giống từ xa về ảnh hưởng đến chất lượng.

Hiệu quả từ phát triển rừng đã đưa tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực ngành lâm nghiệp của huyện hằng năm tăng từ 2 – 3%, tỷ trọng ngành lâm nghiệp trong cơ cấu nội ngành tiếp tục được duy trì. Trong đó, giá trị sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như: hoa hồi, nhựa thông… ngày một cho hiệu quả kinh tế cao. Trong 5 năm qua, tổng sản lượng khai thác rừng trồng đạt 25.320 m3; khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ như: nhựa thông đạt khoảng 2.400 tấn, hoa hồi đạt 10.826 tấn và măng tươi đạt 980,2 tấn.

Được biết, tới đây, huyện Chi Lăng tiếp tục phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ đặc trưng địa phương kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng theo hình thức xã hội hoá, hướng đến mục tiêu nâng cao độ che phủ rừng toàn huyện lên 51%.

ANH DŨNG