Thứ sáu,  20/09/2024

Vận chuyển gia cầm giống nhập lậu: Phức tạp ở địa bàn Lộc Bình

(LSO) – Từ đầu tháng 5/2020, nhu cầu về gia cầm giống trong nước tăng cao, một số đối tượng buôn lậu đã đẩy mạnh hoạt động nhập lậu, vận chuyển gia cầm giống qua biên giới thuộc địa bàn huyện Lộc Bình. Do địa bàn hoạt động rộng, đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi… nên công tác đấu tranh, ngăn chặn còn nhiều khó khăn.

Trung tá Ninh Văn Bình, Đồn trưởng Đồn biên phòng Chi Ma cho biết, qua công tác trinh sát, thấy rằng, sau một thời gian tạm lắng, từ đầu tháng 5/2020 đến nay các đối tượng buôn lậu gia cầm giống hoạt động trở lại. Các đầu nậu đã thuê cư dân biên giới thuộc địa bàn vận chuyển gia cầm giống trái phép qua biên giới để đưa vào nội địa tiêu thụ. Nhằm ngăn chặn sản phẩm gia cầm nhập lậu, Đồn Biên phòng Chi Ma đã triển khai ngăn chặn, bắt giữ. Theo đó, chỉ gần 1 tháng qua, Đồn Biên phòng Chi Ma đã phát hiện, bắt giữ được 4 vụ, thu giữ 11.000 con gia cầm giống (gà, vịt, ngan).

Ông Chu Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 – cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình cho biết: Từ đầu tháng 5/2020, hoạt động vận chuyển gia cầm, gia cầm giống qua địa bàn huyện tiếp tục tái diễn.

Đội QLTT số 3 bắt giữ 1 vụ vận chuyển gia cầm giống trên khâu lưu thông

Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm giống nhập lậu qua địa bàn, Ban Chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình đã chỉ đạo các lực lượng chống buôn lậu  trên địa bàn triển khai các biện pháp ngăn chặn.

Theo đó, các đơn vị chủ công gồm: Đồn Biên phòng và Chi cục Hải quan Chi Ma đã phối hợp lập các chốt chặn 24/24 giờ ngay trên tuyến biên giới. Cùng đó, thường xuyên tổ chức các tổ tuần tra trên khâu lưu thông dọc tuyến đường từ khu vực cửa khẩu Chi Ma vào một số xã biên giới như: Tú Mịch, Yên Khoái. Ở khu vực nội địa, lực lượng công an và quản lý thị trường cũng thành lập tổ đội công tác cơ động, thực hiện tuần tra kiểm tra trên các cung đường trọng điểm các đối tượng buôn lậu thường xuyên vận chuyển gia cầm, gia cầm giống.

Mặc dù công tác đấu tranh, ngăn chặn nhập lậu gia cầm giống đã được các lực lượng chức năng ở Lộc Bình triển khai tích cực song gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do thời điểm hiện tại, người dân đang có nhu cầu cao về con giống để gây đàn chăn nuôi gia cầm; các địa phương của Trung Quốc có nguồn cung dồi dào về gia cầm giống với giá bán rẻ; lợi nhuận từ việc buôn bán gia cầm giống nhập lậu  cao, nếu trót lọt thì các đối tượng buôn lậu thu lãi gấp 3 – 4 lần. Khó khăn nữa là theo các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm về hành vi vận chuyển gia súc, gia cầm không có các giấy tờ kiểm dịch thú y, mức phạt cao nhất là 6 triệu đồng. Chế tài xử phạt nhẹ như vậy nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng buôn lậu. Cùng với đó, các đối tượng đầu nậu thực hiện việc “khoán trắng” cho người vận chuyển thuê, vì thế, để không bị lực lượng chức năng phát hiện, tịch thu hàng, các đối tượng vận chuyển gia cầm bằng xe máy với tốc độ cao và chủ yếu lưu thông trên các tuyến đường nhỏ, liên xã, thường xuyên thay đổi cung đường gây khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn của lực lượng chức năng.

Theo ông Chu Ngọc Hà, để ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu, vận chuyển gia cầm giống trái phép qua biên giới thì cần phải thay đổi, bổ sung quy định theo mức tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu. Song song với đó, công tác chăn nuôi trong nước cần phát triển hơn nữa, đặc biệt là quan tâm đến công tác cung ứng con giống. Nếu nguồn cung về con giống trong nước đủ thì hoạt động buôn lậu gia cầm giống chắc chắn sẽ được hạn chế.

TRÍ DŨNG