Thứ sáu,  20/09/2024

Đội Cấn: Phát triển kinh tế rừng

(LSO) – Tận dụng lợi thế đất lâm nghiệp lớn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Đội Cấn, huyện Tràng Định đã tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế rừng. Nhờ rừng, đời sống của người dân từng bước được cải thiện theo hướng ổn định, bền vững.

Ông Vi Trường Khiêm, thôn Bản Trang là hộ đầu tiên phát triển trồng rừng của xã. Ông Khiêm chia sẻ: Năm 2009, tôi trồng 5 ha bạch đàn, sau 4 năm được thu, tôi bán được 120 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, tháng 6/2014, tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 14 ha bạch đàn. Đến năm 2017, sau khi thu hoạch rừng, trừ chi phí, tôi thu lãi 1,1 tỷ đồng. Nhờ rừng, tôi đã xây dựng được căn nhà 3 tầng khang trang và có vốn để mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Hiện nay, tôi duy trì trồng hơn 10 ha rừng keo, bạch đàn.

Cũng như gia đình ông Khiêm, gia đình bà Hoàng Thị Máy, thôn Nà Khau  là một trong những hộ “giàu” lên từ rừng. Bà Máy phấn khởi cho biết: Năm 2014, thấy hiệu quả từ rừng, tôi đầu tư trồng 6 ha bạch đàn. Sau 4 năm thu về gần 800 triệu đồng. Tiếp đó, tôi trồng thêm 8 ha rừng, thu về hơn 1 tỷ đồng (năm 2017). Hiện nay, thu hoạch đến đâu, tôi trồng tiếp đến đó, nâng diện tích rừng trồng của gia đình lên gần 30 ha.

Người dân thôn Nà Khau, xã Đội Cấn chăm sóc rừng

Tìm hiểu được biết, tại xã Đội Cấn, trước đây, bà con chủ yếu làm nông nghiệp. Năm 2008, thực hiện Dự án trồng rừng 661, bà con trong xã trồng được gần 300 ha thông. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, khi thấy một số hộ được thu từ rừng (bạch đàn), phong trào trồng rừng trong xã mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, bà con trồng mới từ 30 đến 50 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng trồng của toàn xã lên hơn 1.000 ha, chủ yếu là bạch đàn, thông, keo.

Ông Vi Văn Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đội Cấn cho biết: Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là mũi nhọn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng; đẩy mạnh phủ xanh đất trống đồi núi trọc; ưu tiên phát triển trồng keo, quế, mỡ… để giữ độ màu cho đất. Bên cạnh đó, hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 1 – 2 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho bà con. Từ đó, nhiều diện tích rừng trước đây bỏ không nay đã được bà con cải tạo, tận dụng trồng rừng.

Không chỉ định hướng trồng rừng, cấp ủy, chính quyền xã còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con chú trọng khâu chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tại xã hiện nay, rừng được phát triển trồng ở 5 thôn: Nà Khau, Nặm Khoang, Nà Đon, Kim Lỵ, Bản Trang…Toàn xã có gần 200 hộ thì có đến hơn 100 hộ trồng rừng. Trong đó, trung bình các hộ trồng từ 2 đến  3 ha/hộ; hộ trồng nhiều lên đến 20 đến 30 ha/hộ.

Theo các hộ trồng rừng trong xã trung bình sau 4 đến 5 năm trồng, bạch đàn, keo sẽ cho thu hoạch. Với riêng cây bạch đàn, sau khi thu lứa đầu (giữ gốc), nếu chăm sóc tốt, bà con sẽ được thu thêm từ 1 hoặc 2 lứa chồi tiếp theo. Cùng với đó, đầu ra hiện nay rất ổn định vì có thương lái ở Hữu Lũng, Thái Nguyên… đến thu mua nên bà con rất yên tâm phát triển trồng rừng.

Thời điểm hiện nay, diện tích thông trồng theo dự án 661 của xã đã cho khai thác nhựa. Cùng với đó, diện tích rừng trồng của bà con trong xã  đã bước đầu cho thu hoạch ổn định. Trung bình mỗi hộ được thu từ rừng có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Các hộ có thu nhập cao từ 300 đến 400 triệu đồng/hộ/năm như: hộ ông Âu Văn Chương; hộ ông Hoàng Văn Hiệp, thôn Nà Khau… Đặc biệt, có những hộ được thu hàng tỷ đồng từ rừng như hộ ông Hoàng Văn Hậu, thôn Nà Khau…

Nhờ phát triển kinh tế rừng, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã là 36,12 triệu đồng/người/năm, tăng 21 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10%, giảm 30% so với năm 2015.

NGUYỄN PHƯƠNG