Thứ sáu,  20/09/2024

Quyết liệt phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

(LSO) – Hiện trên địa bàn một số xã của huyện Hữu Lũng đã bùng phát bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Lạng Sơn là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên phát hiện dịch bệnh này. Theo cơ quan chuyên môn, đây là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Chính vì vậy, thời điểm này, công tác phòng, chống dịch đang được ngành chuyên môn khẩn trương triển khai.

Ổ bệnh viêm da nổi cục được phát hiện vào ngày 13/10/2020 ở thôn Đồng La, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng với 1 con bò bị bệnh. Đến ngày 3/11/2020, dịch bệnh đã bùng phát ra 3 xã: Yên Bình, Quyết Thắng và Hoà Bình của huyện Hữu Lũng. Tổng số bò mắc bệnh tăng lên 59 con, trong đó, 5 con bị chết.

Thành lập chốt kiểm dịch ra vào địa bàn xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng

Theo ông Phạm Xuân Trường, Phó Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Kiểm dịch vùng II, Cục Thú y, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này có sức đề kháng cao như virus gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi và có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 đến 3 tháng. Bệnh lây truyền qua nhiều nguồn như: côn trùng đốt (muỗi, ruồi, ve); tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh; sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, phối giống…

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Qua kiểm tra tại các ổ bệnh, chúng tôi thấy người dân vẫn chưa biết nhiều về loại bệnh này. Do đó, các hộ vẫn xả thải thẳng nước tắm cho trâu, bò ra ngoài môi trường. Cùng đó, các hộ chăn nuôi vẫn thả rông trâu, bò và cho ăn uống chung tại một khu vực. Sự chủ quan này khiến vi rút gây bệnh viêm da nổi cục có nguy cơ lây lan nhanh và phát tán trên diện rộng hơn. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền trong thời điểm này đang được đơn vị tăng cường triển khai.

Theo cơ quan chuyên môn, do thời gian ủ bệnh lâu (khoảng 14 ngày), cùng với đó, thời gian qua, một số hộ chăn nuôi ngay trong vùng có dịch bệnh đã bán trâu, bò sang một số địa bàn khác trong tỉnh, do vậy, không loại trừ khả năng dịch bệnh đã lây sang một số địa bàn khác ngoài huyện Hữu Lũng. Vì thế, không chỉ huyện Hữu Lũng mà các huyện, thành phố, nhất là những huyện giáp ranh vùng có dịch như: Chi Lăng, Văn Quan, Tràng Định (giáp tỉnh Cao Bằng – nơi cũng đã xuất hiện bệnh này trên trâu, bò) cần khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng phun khử trung khu vực chuồng trại trên địa bàn xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp phát hơn 1.500 lít thuốc sát trùng cho huyện Hữu Lũng để phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại trên địa bàn có dịch xung quanh vùng dịch và đang tiếp tục cấp phát thuốc sát trùng cho các huyện, thành phố để thực hiện phun tiêu độc khử trung chuồng trại chăn nuôi.

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã chỉ đạo cán bộ thú y bám sát địa bàn, chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, từ đó kịp thời  khoanh vùng, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng. Các xã trên địa bàn Hữu Lũng và các địa bàn lân cận cũng đang tích cực triển khai các quy định phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò.

Thời điểm này, cơ quan thú y của tỉnh đang phối hợp với Chi cục Thú y vùng II thực hiện rà soát và lấy mẫu trên đàn trâu, bò tại một số địa bàn để gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm với mục đích nếu phát hiện có mẫu dương tính với bệnh viêm da nổi cục thì kịp thời khoanh vùng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang phối hợp với Cục Thú y nghiên cứu cách điều trị cho những con trâu, bò đã mắc bệnh.

Theo cơ quan thú y, ngoài phun tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động mua ngay thuốc phun diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi. Thời điểm này, các hộ tại vùng có dịch không được chăn thả rông trâu, bò. Đối với các vùng chưa xuất hiện dịch bệnh, bà con cần hạn chế việc chăn thả rông, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Đặc biệt là không vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng có dịch; thường xuyên rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại.
TRÍ DŨNG