Thứ sáu,  20/09/2024

Tập trung nâng tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp

(LSO) – Không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng, phân bón hữu cơ (PBHC) còn góp phần cải tạo đất trồng, làm giảm ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Năm nay, sản lượng và chất lượng lạc của gia đình bà Trần Thị Thoa tại liên thôn Trong Là – Tằm Nguyên, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc hơn hẳn so với mọi năm, vì vậy, dù giá lạc không tăng nhưng thu nhập của nhà bà vẫn cao hơn gần 30% so với năm ngoái. Bà Thoa cho biết: “Lạc năm nay hạt chắc, đỏ, mẩy và đẹp hơn. Củ ra 3 nhân nhiều hơn, vỏ cũng nhẵn, đẹp, màu sáng chứ không đen và sần sùi, cây thì ít sâu bệnh hơn so với mọi năm…”. Qua trao đổi, chúng tôi được biết sự thay đổi trên là do bà Thoa đã sử dụng PBHC vi sinh, thay vì các loại phân vô cơ như trước đây.

Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng bón phân hữu cơ vi sinh cho cây bưởi

Qua nhiều nghiên cứu và thực tế sản xuất, ngành nông nghiệp đã nhận thấy việc sử dụng PBHC có ích cho cây, lợi cho đất góp phần bảo vệ môi trường, còn với phân vô cơ thì ngược lại. Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh cho biết: Qua theo dõi nhiều năm, cộng thêm thử nghiệm, so sánh, đối chứng trên các mô hình cho thấy, PBHC góp phần cải tạo các tầng đất canh tác, cho đất tơi xốp và màu mỡ hơn. Đồng thời, so sánh về năng suất, chất lượng nông sản cũng cao hơn, ít sâu bệnh và cho hiệu quả kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, PBHC cung cấp chất dinh dưỡng cho cây một cách dần dần, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây, không gây hại cho cây trồng.

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ sử dụng PBHC trong canh tác trên địa bàn tỉnh chưa cao. Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV, tỷ lệ sử dụng PBHC trên toàn tỉnh năm 2015 là 2.150/30.500 tấn (chiếm 7,01%), đến năm 2019 là 4.600/40.000 tấn (đạt 11,25%), tuy có tăng nhưng chưa đáng kể.

Để nâng cao tỷ lệ sử dụng PBHC trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp với các công ty, đơn vị trong và ngoài tỉnh tiến hành thử nghiệm, đánh giá việc sử dụng PBHC tại nhiều mô hình, cây trồng trên địa bàn các huyện, thành phố và đang xây dựng kế hoạch để khuyến khích việc sản xuất và sử dụng loại phân bón này.

Bà Hoàng Thị Ái, quyền Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Thời gian tới, chi cục sẽ tham mưu cho ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến việc sản xuất và sử dụng phân bón tại các địa phương; triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ, mô hình sản xuất – sử dụng PBHC phù hợp, hiệu quả; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn mở rộng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, chất lượng gắn với phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón trên địa bàn tỉnh…

Tăng năng suất, chất lượng cây trồng là một trong những nội dung của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc tuyên truyền, xây dựng các mô hình đối chứng, nâng tỷ lệ sử dụng PBHC trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng đã và đang được ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, góp phần từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững.

PBHC là hợp chất hữu cơ dùng trong nông nghiệp, hình thành chủ yếu từ chất thải động vật, lá và cành cây, than bùn… Để xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân sử dụng PBHC trong sản xuất nông nghiệp như: Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của  Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ; Chỉ thị số 117/CT-BNN-BVTV ngày 7/1/2020 của Bộ NN&PTNT về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ…
ĐẶNG DŨNG