Thứ sáu,  20/09/2024

Bệnh dịch tả lợn châu Phi: Cẩn trọng trước nguy cơ tái phát

(LSO) – Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, từ đầu tháng 5/2020 đến cuối tháng 7/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 1.034 hộ ở 367 thôn của 118 xã trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền các cấp, bệnh dịch đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát sinh một số ổ bệnh mới.

Ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện gần đây nhất là vào ngày 24/10/2020 tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Như vậy, tính từ cuối tháng 9/2020 đến nay, trên địa bàn huyện Cao Lộc, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát ở 3 xã: Hoà Cư, Tân Thành và Yên Trạch.

Ông Đặng Minh Viễn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc cho biết: Trung tâm đang phối hợp với chính quyền các xã vận động các hộ chăn nuôi lợn tự giác khai báo khi phát hiện lợn có biểu hiện bị nhiễm bệnh. Đồng thời chỉ đạo thú y viên cơ sở thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi lợn, nhất là các gia trại chăn nuôi lợn tuân thủ nghiêm quy trình khử trùng khi ra vào chuồng trại.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng chăn nuôi lợn tại xã Xuân Mãn

Không chỉ trên địa bàn huyện Cao Lộc, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, tại 13 xã của 6 huyện (Cao Lộc, Văn Quan, Lộc Bình, Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng) và tại 1 phường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các ổ bệnh tái phát hầu hết phát sinh ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến công tác phòng, chống và khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện đang trong thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gia súc giảm, do vậy, đàn gia súc nói chung và đàn lợn nói riêng rất dễ bị nhiễm các loại bệnh, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, do công tác khử khuẩn chuồng trại, vệ sinh môi trường chăn nuôi không đảm bảo, nguồn lợn giống của các hộ mua về tái đàn không được kiểm soát, chất lượng giống không đảm bảo… dẫn đến bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi,  chính quyền các huyện và thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Trong đó, chú trọng rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi, đồng thời, thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trung chuồng trại ít nhất 2 lần/tuần. Còn đối với những xã, địa bàn đã xuất hiện ổ bệnh mới chưa qua 30 ngày thì phải thực hiện nghiêm quy định “5 không” trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đó là: không giấu dịch, không bán chạy lợn bị bệnh, không vận chuyển lợn ra vào khu vực có bệnh dịch, không vứt lợn chết ra ngoài môi trường, không ăn thịt lợn bị bệnh.

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với quyết tâm không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lan ra diện rộng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm soát, nắm địa bàn, giám sát chặt đàn lợn ở những khu vực đã tái phát ổ bệnh. Song song với đó tiếp tục giám sát chặt các hộ chăn nuôi để phát hiện và xử lý ngay các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi mới phát sinh. Lực lượng thú y viên cơ sở tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát tốt hoạt động ra vào khu vực chuồng trại, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng khu vực xung quanh chuồng trại, vật dụng chăn nuôi…

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, mặc dù nhu cầu về thịt lợn dịp cuối năm sẽ tăng cao, nhưng trước những diễn biến về tình hình bệnh dịch tả lợn như hiện nay, các hộ chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt. Nếu tái đàn thì phải cẩn trọng khi mua con giống,  thực hiện khử trùng chuồng trại trước khi nuôi
TRÍ DŨNG