Thứ sáu,  20/09/2024

Sản xuất gỗ bóc ở Yên Khoái: Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân

(LSO) – Yên Khoái là một trong những xã nông thôn mới của huyện Lộc Bình. Người dân nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ năm 2019, một số hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ bóc, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.

Yên Khoái hiện có trên 1.900 ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích đất có rừng chiếm trên 80%. Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, người dân chủ yếu khai thác, bán gỗ rừng trồng và nhựa thông. Tuy nhiên, trước đây, hầu hết người dân bán gỗ chưa qua chế biến cho các thương lái, vì vậy, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Đầu năm 2019, gia đình ông Vi Văn Nghiệp, thôn Long Đầu đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ bóc. Tuy mới hoạt động nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rõ nét. Ông Nghiệp cho biết: Trước đây, mỗi mét khối gỗ thô, tôi cũng như người dân trong thôn chỉ bán được 1,2 đến 1,3 triệu đồng. Nhưng từ khi đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ bóc, giá trị kinh tế được nâng lên gấp đôi, mỗi mét khối gỗ qua chế biến có giá bán từ 2,5 đến 2,6 triệu đồng.

Công nhân xưởng gỗ bóc tại thôn Long Đầu phơi sản phẩm

Tìm hiểu tại xã, chúng tôi được biết, trước năm 2019, trên địa bàn xã Yên Khoái chỉ có 2 xưởng xẻ gỗ. Từ đầu năm 2019, một số hộ dân tại xã đã đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ bóc. Mỗi dây chuyền có giá từ 400 triệu đồng đến 700 triệu đồng; công suất chế biến ước đạt khoảng 15 m3/ngày. Đến nay, toàn xã có 7 xưởng chế biến gỗ, trong đó có 5 xưởng mới hoạt động và chuyên sản xuất gỗ bóc, chiếm gần 1/3 số xưởng chế biến gỗ trên địa bàn huyện Lộc Bình.

Không chỉ giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, nghề bóc gỗ còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại xã với thu nhập cao. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: với mỗi dây chuyền sản xuất gỗ bóc cần 6 lao động đứng máy để thực hiện công đoạn chế biến, bóc gỗ và 8 – 10 lao động thực hiện công đoạn vận chuyển, phơi gỗ. Vì thế, số lao động hiện nay tại các xưởng đều từ khoảng 14 – 20 người, hầu hết đều là người dân trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Lộc (thôn Bản Khoai, xã Yên Khoái) là lao động làm việc tại xưởng bóc gỗ cho biết: Gia đình tôi nuôi 2 con nhỏ ăn học, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Từ khi có xưởng bóc gỗ, vợ chồng tôi đến xin làm việc tại đây. Mỗi ngày, chúng tôi làm việc từ 6 đến 8 tiếng, thu nhập khoảng 450.000 đồng. Công việc cũng khá ổn định vì các xưởng bóc gỗ gần như hoạt động quanh năm. Nhờ vậy, vợ chồng tôi không phải đi làm thuê mướn tại các nơi khác nữa, vừa được làm việc ở gần nhà, vừa có thời gian làm việc nhà và chăm sóc con cái tốt hơn.

Mặc dù mới phát triển hơn 1 năm nhưng nghề sản xuất gỗ bóc tại Yên Khoái đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế. Trung bình, các chủ cơ sở có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Đặc điểm của nghề bóc gỗ là phải tạm dừng hoạt động vào các ngày thời tiết mưa. Tuy vậy, người lao động vẫn đạt thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng với thợ vận chuyển, phơi gỗ và trên 10 triệu đồng/tháng đối với thợ đứng máy.

Bà Hoàng Thị Giang, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái khẳng định: Các xưởng sản xuất gỗ bóc đang góp phần tích cực trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã, đem lại nguồn thu nhập cao, không chỉ đối với các hộ kinh doanh mà còn đối với các lao động địa phương. Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu các chủ kinh doanh, người lao động ký cam kết   chấp hành các quy định, đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các xưởng chế biến gỗ tại xã. Qua đó, giúp các cơ sở sản xuất gỗ trên địa bàn xã hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững.

GIA KHÁNH