Thứ sáu,  20/09/2024

Bình Gia: Hiệu quả từ nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp của Agribank

– Bình Gia là huyện nghèo của tỉnh, đời sống của đa phần người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bình Gia (Agribank Bình Gia) luôn đồng hành, giúp nhiều hộ dân có vốn để xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, góp phần giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Năm 2012, gia đình ông Nông Văn Điền, thôn Nà Ven, xã Hồng Phong trồng được hơn 10 ha bạch đàn. Tuy nhiên, do thiếu vốn chăm sóc nên cây phát triển chậm, đến năm 2014, được cán bộ Agribank Bình Gia và chính quyền xã tuyên truyền về vốn vay, ông đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng để chăm sóc diện tích rừng của gia đình. Sau hơn 3 năm chăm sóc, đến năm 2018, gia đình ông đã được thu hoạch gỗ, đem lại doanh thu hơn 800 triệu đồng.

Ông Điền cho biết: Agribank Bình Gia đã hỗ trợ kịp thời gia đình tôi có vốn để chăm sóc rừng, tăng thu nhập. Vì vậy, đến năm 2018, tôi tiếp tục làm hồ sơ vay 700 triệu đồng để trồng thêm 10  ha cây bạch đàn và chăm sóc 25 ha rừng.

Người dân xã Tân Văn xây dựng mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao

Không chỉ riêng ông Điền, nhiều hộ trên địa bàn huyện đã được tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế. Như hộ ông Phạm Văn Duệ, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn, năm 2020, ông được vay 300 triệu đồng từ Agribank Bình Gia để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Ông Duệ cho biết: Có vốn, tôi mở rộng quy mô chuồng trại và đầu tư mua trâu, bò để chăn nuôi theo hình thức vỗ béo. Từ đó, tôi đã nâng đàn trâu, bò lên 10 con/lứa, tăng gấp đôi số lượng đàn so với trước. Nhờ đó, năm qua, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Để người dân có vốn mở rộng quy mô sản xuất, thời gian qua, Agribank Bình Gia đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách vay vốn đến người dân, đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng đó, đơn vị đã phân công cán bộ tín dụng phụ trách theo địa bàn từng xã, thị trấn để nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân, tư vấn, định hướng các hộ lập hồ sơ vay vốn, sử dụng nguồn vốn phù hợp, hiệu quả. Nhờ đó, qua triển khai thực hiện, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay của Agribank Bình Gia đạt 590 tỷ đồng (tăng 33 tỷ đồng so với năm 2020) với trên 3.000 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm trên 85% tổng dư nợ. Theo lãnh đạo Agribank Bình Gia, hiện nguồn vốn cho vay của đơn vị chiếm trên 60% tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện. Trong đó, nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực, điều đó thể hiện qua chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,5% (dưới mức 3% theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước); tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%.

Ông Hoàng Kim Vượng, Giám đốc Agribank Bình Gia cho biết: Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, nhất là các gói cho vay theo chương trình ưu tiên, ưu đãi lãi suất theo quy định của Chính phủ và của tỉnh. Trong đó, bám sát các chương trình, định hướng đầu tư của huyện để tạo cơ hội cho người dân vay vốn  tại các xã trồng thạch đen như: Hoa Thám, Hưng Đạo; các xã chăn nuôi trâu bò như: Tân Văn, Hồng Thái; xã trồng quế như Vĩnh Yên; trồng rừng như: Hòa Bình, Hoa Thám…

Hiệu quả nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, từ đó tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 16,22%, giảm hơn 30% so với năm 2016.

KIM HUYÊN - CẨM HÀ