Thứ sáu,  20/09/2024

Phát huy tiềm năng phát triển các loại cá đặc sản

– Những năm trở lại đây, một số hộ dân, hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa các giống cá đặc sản vào sản xuất. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế so với các loại cá truyền thống.

Gia đình ông Hoàng Phúc Tình (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) là một trong những hộ tiên phong trong việc nuôi cá hồi trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015, qua tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá hồi tại Sapa (tỉnh Lào Cai), ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để đưa giống cá này về nuôi.

Bước đầu, gia đình ông xây dựng 5 bể nuôi cá và nhập khoảng 1.000 con cá giống từ Sapa về nuôi. Sau hơn 1 năm nuôi, gia đình ông đã xuất bán khoảng 500 con cá thương phẩm với giá 400.000 đồng/kg, tổng thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông Tình cho biết: Ngoài cá hồi, gia đình tôi còn nhập khoảng 800 con cá tầm về nuôi chung bể. Đây đều là các loài cá ưa lạnh, rất phù hợp với khí hậu tại Mẫu Sơn. Tuy nhiên, khi nuôi cá vẫn cần theo dõi thường xuyên để đảm bảo về nhiệt độ, nguồn nước và thức ăn cá sinh trưởng, phát triển ổn định.

Xã viên HTX Thủy sản Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn) vệ sinh ao nuôi cá lăng (Ảnh chụp đầu tháng 4/2021)

Tương tự, để phát triển sản phẩm theo nhu cầu thị trường, ông Nguyễn Văn Xuân (xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng) đã đưa giống cá tầm về nuôi tại địa phương. Ông Xuân cho biết: Trước đây, tôi và các hộ nuôi cá tại đây chỉ nuôi các loài cá bản địa. Tuy nhiên, đôi khi việc tiêu thụ còn chậm, giá cả bấp bênh do nguồn cung trên địa bàn lớn. Do vậy, từ năm 2009, tôi đã đầu tư vốn để nuôi thí điểm cá tầm và đạt hiệu quả. Đến năm 2020, tôi cùng một số hộ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Cấm Sơn để nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, vừa nuôi cá tầm thương phẩm, vừa tự gây giống để xuất bán ra thị trường.

Trung bình, mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 5.000 đến 6.000 con cá tầm thương phẩm. Với thời gian nuôi 2 năm, trọng lượng cá đạt từ 2 đến 3 kg/con, giá cá tầm ở mức 230 đến 250.000 đồng/kg. Tổng doanh thu của HTX nhờ đó luôn đạt mức trên dưới 3 tỷ đồng/năm, giá trị kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với các loài cá bản địa. Đồng thời, việc tiêu thụ dễ dàng hơn rất nhiều do khan hiếm nguồn cung trên thị trường.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong khoảng 5 năm trở lại đây, một số HTX, hộ dân đã mạnh dạn chăn nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao. Điển hình như: HTX Thủy sản Thác Xăng; HTX Thủy sản Lê Hồng Phong; một số hộ dân tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình… Trong đó, tập trung vào các loài như: cá bỗng (cá tiến vua), cá lăng, cá hồi, cá tầm. Bên cạnh đó, hầu hết người chăn nuôi đều đầu tư vốn để xây dựng, thiết kế khu vực nuôi phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về môi trường chăn nuôi.

Theo đánh giá của đơn vị, các loài như: cá lăng, cá bỗng là những loài có thể nuôi trong điều kiện tương tự các loài cá bản địa. Còn cá hồi, cá tầm đều là loài cá ưa lạnh, thường sinh trưởng tốt ở nhiệt độ khoảng 15 đến 20 độ C. Do đó, các loài này có thể thích nghi rất tốt vào mùa đông. Còn vào mùa hè, người chăn nuôi cần đầu tư hệ thống bơm oxi, hệ thống bể nước thuận tiện cho việc thay nước. Đồng thời, cần theo dõi liên tục tình hình của đàn cá, từ đó sẵn sàng xử lý khi có hiện tượng bất thường.

Ông Lý Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để việc phát triển các loại cá đặc sản đạt hiệu quả cao, thời gian qua, đơn vị đã chú trọng  tuyên truyền, tập huấn cho các hộ chăn nuôi, HTX. Song song với đó, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các loài cá có tiềm năng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ chăn nuôi, HTX mới thành lập phát triển mô hình nuôi cá đặc sản.

Hiện nay, Lạng Sơn có diện tích mặt nước để chăn nuôi thủy sản là gần 1.300 ha. Trong đó, rất nhiều nơi có điều kiện phù hợp để phát triển các loại cá đặc sản. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các mô hình này vẫn còn khá nhỏ lẻ. Do vậy, để có thể phát triển bền vững các loài cá đặc sản trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bà con trong việc phát triển các mô hình. Đồng thời, giúp bà con lựa chọn các giống cá phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó cần tăng cường tập huấn cho bà con kiến thức về phòng, chống dịch bệnh thường gặp đối với các loài cá trên

GIA KHÁNH