Thứ sáu,  20/09/2024

Vốn tín dụng chính sách ở Cao Lộc: Tiếp sức người dân vùng khó

– Những năm qua, nguồn vốn cho vay chương trình sản xuất, kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng nghìn hộ dân ở các xã vùng khó trên địa bàn huyện Cao Lộc thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Từ đó, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, từng bước giảm nghèo bền vững.

Tìm hiểu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn huyện Cao Lộc, cuối tháng 9/2021, chúng tôi được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giới thiệu đến gia đình chị Lê Thị Nguyệt, thôn Bản Dọn, xã Lộc Yên. Chị Nguyệt chia sẻ: Nhiều năm trước, gia đình tôi rất khó khăn, muốn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế nhưng lại không thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, được sự hướng dẫn của các thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, tôi đã vay 50 triệu đồng theo chương trình SXKD vùng khó với mức lãi suất ưu đãi chỉ 0,75%/tháng để đầu tư chăn nuôi lợn và trồng thông.

Người dân xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc chăm sóc vườn bưởi đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi

Nhờ chăm chỉ làm ăn, mỗi năm, gia đình chị Nguyệt xuất bán 2 lứa lợn đem lại thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. Hiện tại, chị duy trì nuôi 30 con lợn. Chị Nguyệt cho biết thêm: Nhờ nguồn vốn tiếp sức, tôi yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Với mong muốn mở rộng thêm quy mô chăn nuôi,  tôi đang chuẩn bị hồ sơ để tiếp tục vay 100 triệu đồng tại NHCSXH.

Không chỉ gia đình chị Nguyệt, thời gian qua, nguồn vốn SXKD vùng khó khăn đã tiếp thêm động lực để nhiều hộ xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cao Lộc đã giải ngân 37,2 tỷ đồng với 797 lượt hộ vay. Qua đó, nâng tổng dư nợ chương trình hiện nay lên 68,3 tỷ đồng với trên 1.600 khách hàng còn dư nợ, đây là chương trình có dư nợ lớn nhất toàn huyện. Nguồn vốn cho vay được người dân đầu tư đúng mục đích như: phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phục vụ chăn nuôi, trồng rừng và trồng cây ăn quả.

Ông Lý Thế Công, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Hiện nay, huyện Cao Lộc có 10/22 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn được triển khai chương trình vay vốn SXKD.  Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, phòng giao dịch chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu thực tế của các hộ vay vốn để xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, UBND các xã tuyên truyền, triển khai về chính sách vốn.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng tín dụng, từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị tổ chức được 41 lớp tập huấn cho 1.234 lượt cán bộ tổ chức hội, ban giảm nghèo, đại diện tổ tiết kiệm và vay vốn về nghiệp vụ quản lý vốn. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có ý thức trả nợ, lãi. Tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm đạt 99%.

Nguồn vốn ưu đãi từ chương trình vay vốn SXKD vùng khó khăn đã giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, vốn vay ưu đãi đã giúp bà con trồng mới được trên 1.422 ha thông, bạch đàn; 820 ha cây ăn quả; đầu tư chăn nuôi trên 1.334 con trâu, bò…

Có thể khẳng định, nguồn vốn vay đã tiếp sức nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cao Lộc có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, yên tâm phát triển kinh tế. Cùng với các nguồn vốn, chương trình khác của huyện, vốn SXKD vùng khó khăn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 15,9% (năm 2018) xuống còn 6,54% (năm 2020).

MAI LINH