Thứ sáu,  20/09/2024

Báo động tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi

– Theo  thống kê của ngành chức năng, trong 9 tháng đầu năm 2021, số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh gấp gần 4 lần so với cả năm 2020. Điều này gây ảnh hưởng tới an toàn, tuổi thọ và công năng của công trình.

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 2.607 công trình thủy lợi (tăng gần 1.600 công trình so với năm 2010), trong đó có 156 hồ chứa, 1.358 đập dâng các loại, 153 trạm bơm, 940 công trình tạm, guồng cọn. Các công trình thủy lợi từng bước đáp ứng đa mục tiêu cho phát triển kinh tế như: phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, đặc biệt là 9 tháng của năm 2021, tình trạng người dân, tổ chức vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra khá phổ biến, thậm chí nhiều tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ngang nhiên sử dụng phạm vi bảo vệ công trình các hồ đập, kênh mương vào mục đích riêng. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 135 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 34 vụ).

Ông Nguyễn Viết Quyến, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lộc Bình chỉ cho phóng viên một trường hợp vi phạm lấp đất ngăn dòng tại hồ Nà Cáy thuộc xã Lợi Bác (ảnh chụp ngày 28/9/2021)

Nếu như năm 2020 toàn tỉnh có 5 huyện với 21 công trình bị các cá nhân xâm phạm phạm vi bảo vệ công trình, thì trong 9 tháng năm 2021, số vụ vi phạm đã xảy ra tại 10/11 huyện, thành phố với 37 công trình bị xâm phạm.

Qua thực tế khảo sát tại một số huyện cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu là xả đất thải xuống lòng hồ, xâm phạm hành lang mương thủy lợi, xây dựng các công trình kiên cố như: cổng, hàng rào, cầu, đường vào nhà, xây dựng bãi tập kết vật liệu xây dựng trong phạm vi hành lang đập, lập lán lên bề mặt kênh mương, xả nước thải sinh hoạt…

Điển hình như tại công trình thủy lợi hồ chứa Nà Cáy tại thị trấn Na Dương và xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình. Đây là công trình hồ chứa lớn thứ hai của tỉnh Lạng Sơn, với dung tích 6,5 triệu mét khối nước, gồm 5 đập phục vụ tưới tiêu cho khoảng 70 ha đất sản xuất nông nghiệp và là nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho toàn bộ thị trấn Na Dương, nhà máy nhiệt điện Na Dương, Công ty Than Na Dương.

Năm 2020, tại hồ Nà Cáy có 3 vụ vi phạm do các cá nhân gây ra với những hành vi gồm: xây dựng tường rào sát mương và đổ đất lên mái đập; đào đất trong lòng hồ lấp thành bờ ao. Trong 9 tháng năm 2021, cũng tại công trình hồ Nà Cáy đã xảy ra 4 vụ vi phạm do các cá nhân gây ra với những hành vi như: đổ đất lên đập làm đường đi; đổ đất xuống vùng phụ cận lòng hồ và đổ đất sát chân đập. Đến nay, các vi phạm này đã bị các đơn vị chức năng lập biên bản xử lý. Ngoài ra, cũng tại hồ Nà Cáy, hiện còn tồn tại 4 vụ vi phạm xâm phạm lòng hồ, hành lang an toàn đập từ trước năm 2020 đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài huyện Lộc Bình, tại thành phố Lạng Sơn, tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi cũng diễn biến phức tạp xảy ra tại hồ Bó Chuông, hồ Pó Luông, hồ Lẩu Xá, thuộc xã Mai Pha và phường Đông Kinh.

Trước thực tế số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra phức tạp tại hầu hết các huyện, thành phố, để ngăn chặn, xử lý triệt để, kịp thời các vi phạm, ông Đỗ Hà Bắc, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước hết, đơn vị đã đề nghị với các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gắn với đó là phối hợp với các đơn vị được giao quản lý khai thác đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu các quy định về bảo vệ công trình thủy lợi. Ngoài ra, trong công tác quản lý các công trình thủy lợi có một bất cập là hầu hết các công trình đều chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khiến cho công tác quản lý của các đơn vị được giao. Do vậy, chúng tôi mong rằng, Nhà nước quan tâm đẩy nhanh việc cắm mốc phạm vi để làm căn cứ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.

Vị trí, vai trò của các công trình thủy lợi là vô cùng quan trọng, là công cụ đắc lực để phát triển sản xuất nông nghiệp; điều tiết nguồn nước, hỗ trợ phòng, chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến bất thường. Vì vậy, các cấp chính quyền từ cấp huyện tới cơ sở cần tăng cường phối hợp trong việc ngăn chặn phát hiện sớm và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Có như vậy, các công trình thủy lợi mới phát huy hiệu quả cao nhất phục vụ sản xuất, dân sinh cũng như bảo đảm an toàn cho chính người dân

TRANG NINH