Thứ sáu,  20/09/2024

Y Tịch: Khơi dậy khát vọng thoát nghèo tại vùng khó

– Những năm gần đây, đời sống người dân xã Y Tịch, huyện Chi Lăng ngày càng đi lên, thu nhập tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn trước. Có được kết quả đó là do chính quyền xã đã tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đến xã Y Tịch thời điểm này, ít ai ngờ được chỉ 5 năm trước, đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14 triệu đồng/năm.

Giờ đây, những con đường thôn hầu như đã được bê tông hoá; cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá ngày càng khang trang; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được người dân áp dụng, tạo thu nhập ổn định, đời sống đi lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, tăng gần 3 lần so với năm 2016. Xã có 903 hộ, trên 4.000 nhân khẩu, nay chỉ còn 46 hộ nghèo (chiếm 5,09%) và 61 hộ cận nghèo (chiếm 6,75%).

Người dân xã Y Tịch chăm sóc vườn cam Canh

Bà Nguyễn Thị Bãi, thôn Thạch Lương, xã Y Tịch chia sẻ: Nhờ sự định hướng, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và Hội Nông dân xã, gia đình tôi đã chuyển đổi từ trồng ngô, lạc sang trồng cam Canh từ 9 năm trước, đến năm 2017 thì cho thu hoạch. Qua 4 vụ cam, gia đình thu nhập tổng cộng trên 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây hoa màu truyền thống. Bây giờ khá giả hơn trước nhiều rồi, chúng tôi càng hăng say lao động, tiếp tục làm giàu cho gia đình và giúp đỡ người khó khăn trong thôn, xã.

Tinh thần lao động, giảm nghèo, làm giàu của bà Bãi cũng như nhiều người dân khác đang lan toả khắp các thôn, bản ở Y Tịch. Để có được những chuyển biến về nhận thức đó, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Y Tịch đã không ngừng tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức, gắn với các phong trào xây dựng nông thôn mới, thi đua phát triển kinh tế.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2021, UBND xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân từ 20 đến 30 cuộc/năm ở 8 thôn trong toàn xã; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã đã tuyên truyền đến tất cả hội viên, đoàn viên về xây dựng nông thôn mới, vận động, hướng dẫn người dân triển khai các mô hình kinh tế để giảm nghèo bền vững được 765 cuộc với trên 5.000 lượt người tham gia…

Cùng đó, chính quyền xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 32 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rừng, trồng cây na, thuốc lá, ngô, lúa, ớt; quy trình chăm sóc cây ăn quả theo hướng nông nghiệp sạch; chăn nuôi; sửa chữa máy nông nghiệp… Nhờ đó, bà con đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình trồng Na VietGAP (110 ha), trồng thuốc lá (256 ha)…

Đặc biệt, để người dân thay đổi nhận thức thì chính đảng viên, trưởng thôn, người có uy tín tại xã Y Tịch luôn là những người đi đầu, nêu gương. Ông Nguyễn Văn Cương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Giáp Thượng 2 cho biết: Bản thân tôi cũng tham gia trồng một số loại cây của địa phương, tích cực tham gia và vận động người dân trong thôn tham gia các lớp tập huấn, đi thăm và học hỏi nhiều mô hình mẫu ở các xã khác. Từ đó, càng thêm quyết tâm làm kinh tế để thoát nghèo, làm giàu. Đến nay, nhiều hộ trong thôn đã có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Ông Vương Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã đã chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể; yêu cầu cán bộ từ xã đến thôn đẩy mạnh tuyên truyền, làm gương, làm mẫu cho người dân phát triển kinh tế. Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích các loại cây có thế mạnh của địa phương; hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, quan tâm hơn nữa tới công tác khen thưởng, nêu gương để  lan toả mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, khơi dậy mong muốn thoát nghèo, làm giàu của bà con.

Với sự nỗ lực không ngừng trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã đã khơi dậy thành công khát vọng thoát nghèo, tạo nên sự đổi thay tại Y Tịch, mang lại lợi ích cho người dân.

ĐẶNG DŨNG