Thứ sáu,  20/09/2024

Lộc Bình: Gỡ khó trong giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm

– Theo kế hoạch trong năm 2021, huyện Lộc Bình phải bàn giao 5,8/8,13 ha mặt bằng (giai đoạn 1) để thực hiện dự án cầu Lộc Bình số 1, hạng mục đường giao thông và khu tái định cư Lục Thôn. Tuy nhiên đã cuối năm 2021, UBND huyện mới phê duyệt được 4,03/8,13 ha và bàn giao cho nhà thầu thi công được 2,08 ha mặt bằng. Nguyên nhân chậm tiến độ do quá trình triển khai giải phóng mặt bằng dự án phát sinh nhiều khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Ba dự án kể trên có tổng diện tích thực hiện 59,8 ha. Trong đó, diện tích phải thu hồi, bồi thường là 55,7 ha với 384  hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện dự án BT (xây dựng – chuyển giao) có diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng 8,13 ha và giai đoạn 2 thực hiện dự án đối ứng 51,7 ha.

Công tác giải phóng mặt bằng dự án được huyện Lộc Bình thực hiện từ quý IV/2020 đến hết năm 2020, các cơ quan chuyên môn của huyện đã thống kê, kiểm đếm đất đai, tài sản bị ảnh hưởng dự án được 306/384 hộ với diện tích 38,92/55,7 ha.

Lắp ghép cấu kiện cột thép trước khi thực hiện khoan nhồi cọc bê tông cầu Lộc Bình số 1

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, việc triển khai lập phương án bồi thường dự án chậm, tính đến cuối tháng 12/2021, UBND huyện đã phê duyệt 9 quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 117 lượt hộ bị ảnh hưởng với tổng kinh phí hơn 27,8 tỷ đồng. Về chi trả, huyện đã giải ngân cho 76/117 hộ với tổng số tiền 17,3 tỷ đồng và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu được 2,08 ha.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phê duyệt phương án bồi thường chậm, tỷ lệ người dân nhận tiền so với phương án đã phê duyệt chưa đạt yêu cầu do các hộ thắc mắc đơn giá bồi thường thấp. Chẳng hạn thị trấn Lộc Bình, đây là khu vực I nhưng tính toán giá đất bồi thường vẫn là khu vực II dẫn đến giá trị bồi thường thấp; nhiều hộ bị mất nhiều đất nông nghiệp chưa phối hợp kiểm đếm và đề nghị đất đổi đất; áp dụng quy định về đơn giá bồi thường vật kiến trúc nhà cửa từ năm 2017 là chưa phù hợp…

Ông Lường Vinh Liên, thôn Pò Lèn – Pá Ôi, thị trấn Lộc Bình cho biết: Nhà nước thực hiện xây dựng cầu, đường giao thông thì gia đình rất ủng hộ nhưng giá bồi thường phải phù hợp. Ngoài ra, nếu Nhà nước lấy nhiều đất để thực hiện dự án thì phải tạo sinh kế cho người dân, vì dân chúng tôi chỉ có nghề làm ruộng, nay thu hồi đất thì chúng tôi không biết làm nghề gì để sinh sống. Gia đình tôi có 7 sào đất thì có 2 sào nằm trong quy hoạch dự án cầu Lộc Bình số 1, hạng mục đường giao thông và khu tái định cư Lục Thôn.

Trước những kiến nghị của người dân, UBND huyện Lộc Bình đã báo cáo UBND tỉnh để tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền. Theo đó, một số vướng mắc đã và đang được tháo gỡ như việc thị trấn Lộc Bình đã là khu vực I nhưng vẫn tính bồi thường khu vực II; việc điều chỉnh đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc áp dụng từ năm 2017; quy hoạch khu nghĩa địa tập trung…

Ông Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Lộc Bình cho biết: Bên cạnh việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân, huyện đã tăng cường đối thoại với Nhân dân để thông tin, giải thích cho người dân hiểu về dự án. Ngoài ra, đối với các hộ đã nhận tiền nhưng dây dưa, chậm bàn giao mặt bằng, trung tâm sẽ tham mưu cho UBND huyện thực hiện bảo vệ thi công công trình theo quy định hiện hành.

Thực tế thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng dự án theo cam kết của huyện với nhà thầu thi công không còn nhiều. Không những vậy, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án nói chung và dự án cầu Lộc Bình số 1, hạng mục đường giao thông và khu tái định cư Lục Thôn nói riêng là lĩnh vực hết sức phức tạp vì liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người bị thu hồi đất. Do vậy, huyện Lộc Bình cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tự giác chấp hành, có như vậy, việc giải phóng mặt bằng mới đáp ứng được yêu cầu tiến độ cũng như kỳ vọng của tỉnh đặt ra.

TRANG NINH