Thứ sáu,  20/09/2024

Bình Gia: Khó khăn trong cứng hoá đường giao thông đến trung tâm thôn

– Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2021, huyện Bình Gia có 88/143 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hoá, đi lại được 4 mùa, chiếm tỷ lệ 61,53% (toàn tỉnh đạt 73,57%), thấp nhất trong số các huyện trên địa bàn tỉnh.

Xã Quang Trung, huyện Bình Gia có 11 thôn, chiều dài các tuyến đường đến trung tâm các thôn khoảng 30 km. Trong những năm qua, thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của xã được cải thiện đáng kể. Trong đó, tuyến đường huyện 62 chạy qua xã với chiều dài 14 km đã được Nhà nước đầu tư xây dựng, qua đó đã giúp 6 thôn có đường đến trung tâm thôn đi lại được bốn mùa. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn 5 thôn chưa có đường ô tô đi lại được bốn mùa với tổng chiều dài cần cứng hoá là 17 km.

Người dân thôn Nà Ngần, xã Quang Trung tham gia cứng hoá ngầm tràn vượt suối đường đến trung tâm thôn

Bà Hoàng Thị Thuý, công chức địa chính – xây dựng xã Quang Trung cho biết: Do nhu cầu đầu tư lớn và nguồn lực hạn chế, việc huy động sức dân để triển khai xây dựng các tuyến đường gặp nhiều khó khăn, nên kết quả thực hiện đạt thấp so với yêu cầu. Trong 5 thôn chưa có đường ô tô đi lại được 4 mùa, đến nay, mới cứng hoá được 1,9/17 km.

Không chỉ xã Quang Trung, nhiều xã khác việc cứng hoá các tuyến đường từ trung tâm xã đến trung tâm thôn cũng trong tình trạng tương tự. Như tại xã Hoa Thám có 8 thôn với tổng chiều dài cần cứng hoá đường đến trung tâm thôn là 42 km, đến nay, toàn xã mới có 4/8 thôn có đường ô tô từ trung tâm xã đến trung tâm thôn đi lại được bốn mùa.

Ông Nguyễn Tuấn Uy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: Từ năm 2016 đến hết năm 2021, toàn xã đã cứng hoá được 14,6 km đường giao thông nông thôn, người dân đóng góp được khoảng 1,5 tỷ đồng để làm đường nhưng chủ yếu là xây dựng các tuyến đường ngõ xóm, còn đường đến trung tâm các thôn chỉ cứng hoá được 3,1 km còn 38,9 km là đường đất. Do chiều dài các tuyến cần cứng hoá lớn trong khi Hoa Thám là xã nghèo, vì vậy, việc huy động kinh phí đầu tư làm đường đến trung tâm các thôn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu chờ nguồn ngân sách của Nhà nước. Xã đã đề xuất đầu tư hai tuyến đường đến trung tâm các thôn trong năm 2022, nhưng do chưa có nguồn vốn nên các công trình vẫn chưa được phê duyệt.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2021, toàn huyện Bình Gia có 143 thôn, trong đó 88 thôn có đường đến trung tâm đi lại được bốn mùa, chiếm 61,53% và còn tới 49 thôn đường đến trung tâm chưa được cứng hóa, chiếm 34,27% và 6 thôn chưa có đường đến trung tâm, chiếm 4,2%. Nếu tính theo chiều dài các tuyến đường đến trung tâm thôn thì tỷ lệ chiều dài các tuyến đường được cứng hoá còn thấp hơn nữa. Toàn huyện Bình Gia có 353 km đường đến trung tâm thôn, đến cuối năm 2021, toàn huyện cứng hoá được 119,7/353 km, đạt 33,9% (hết năm 2020 toàn huyện có 104,7/353 km tỷ lệ chiều dài được cứng hoá, đạt 29,66%). Trong năm 2021, huyện đã cứng hoá đường đến trung tâm các thôn được 15 km, tăng 5 thôn so với năm 2020.

Ông Bùi Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Nguyên nhân khiến cho việc triển khai cứng hoá các tuyến đường đến trung tâm các thôn gặp nhiều khó khăn là bởi các thôn đều nằm ở khu vực vùng sâu, địa hình đồi núi dốc, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó Bình Gia là huyện nghèo, nguồn lực đầu tư đều dựa vào trung ương và tỉnh phân bổ, hằng năm, huyện cũng tiết kiệm chi thường xuyên để đầu tư các tuyến đường nhưng nguồn lực này rất hạn chế.

Nhằm nâng tỷ lệ chiều dài các tuyến đường giao thông đến trung tâm các thôn được cứng hoá năm 2022 lên 38%, tương đương làm mới 15 km, giải pháp đang được huyện triển khai là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân cùng chung tay làm đường. Mặt khác tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép với các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy mạnh cứng hoá các tuyến đường đến trung tâm thôn. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã kiến nghị tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực cho huyện Bình Gia, đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn huyện. Có như vậy, việc thực hiện mục tiêu của huyện trong năm 2022 mới hy vọng đạt kế hoạch đề ra.

TRANG NINH