Thứ sáu,  20/09/2024

Cho vay hộ sản xuất kinh doanh: “Bà đỡ” cho người dân vùng khó khăn

– Nhiều năm qua, chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh triển khai đã góp phần quan trọng giúp người dân vùng khó khăn nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Tìm hiểu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn trên địa bàn huyện Bắc Sơn, chúng tôi được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giới thiệu đến gia đình bà Hoàng Thị Hồng, thôn Nà Ghéo, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn. Bà Hồng chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi còn khó khăn, mặc dù có đất đai rộng nhưng thiếu vốn để phát triển sản xuất. Năm 2016, tôi được thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn làm thủ vay vốn để phát triển sản xuất. Qua đó, tôi được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư trồng 3 sào bưởi Diễn và chăm sóc rừng hồi. Từ năm 2020 đến nay, hai loại cây này đã giúp gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ khi có vốn, tôi yên tâm làm ăn, cuộc sống từng bước được cải thiện và nâng cao.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bình Gia giải ngân nguồn vốn vay đến người dân tại điểm giao dịch xã Hồng Thái

Không chỉ riêng gia đình bà Hồng, thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã được tiếp cận vốn vay từ chương trình cho vay SXKD để phát tiển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi,… Ông Trần Sỹ Đạo, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, căn cứ nhu cầu thực tế, đơn vị tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện giao vốn về các xã và triển khai đến các thôn, bản. Từ đó, các thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay và gửi hồ sơ cho ngân hàng giải ngân. Đến nay, toàn huyện có 3.320 hộ đang sử dụng vốn chương trình với dư nợ trên 141 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020.

Không chỉ huyện Bắc Sơn, những năm qua, Chương trình cho vay vốn SXKD đều được triển khai hiệu quả tại tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giúp vốn cho các hộ tại những vùng khó khăn phát triển kinh tế. Đối tượng vay vốn của chương trình là các gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) ở vùng khó khăn. Những năm qua, nguồn vốn chương trình đã giúp người dân các xã vùng khó trên địa bàn tỉnh đầu tư các mô hình kinh tế như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi,…. Đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ SXKD tại vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đạt trên 829 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Tổng số hộ còn dư nợ chương trình này là 19.007 hộ, bình quân số tiền vay là 43,7 triệu đồng/hộ. Trong đó, ngoài huyện Bắc Sơn còn một số huyện có dư nợ cao như: Hữu Lũng trên 105 tỷ đồng; Tràng Định 101 tỷ đồng…

Người dân thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc sử dụng vốn vay SXKD để phát triển mô hình trồng rau

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây, chương trình cho vay hộ SXKD là một trong các chương trình có dư nợ tăng trưởng cao. Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các huyện. Đồng thời, chỉ đạo phòng giao dịch các huyện giao chỉ tiêu đến các xã; phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, các tổ tiết kiệm vay vốn tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay của người dân. Nhờ làm tốt công tác giải ngân, nguồn vốn chương trình kịp thời đến các hộ có nhu cầu vay vốn, chỉ tính riêng trong năm 2021, doanh số cho vay chương trình đạt  gần 260 tỷ đồng.

Nguồn vốn chương trình thật sự tạo động lực, tiếp sức cho các hộ dân sinh sống ở vùng khó khăn vươn lên phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, điều đó thể hiện ở tỷ lệ nợ quá hạn chương trình chỉ chiếm 0,48%. Tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm luôn đạt trên 96%.

Có thể thấy, từ nguồn vốn chương trình đã giúp người dân ở các xã vùng khó có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững. Từ năm 2020 đến hết năm 2021, nguồn vốn chương trình đã giúp người dân chăn nuôi được trên 17.000 con gia súc, gia cầm; trồng, chăm sóc được 14.483 ha rừng và cây ăn quả. Nguồn vốn đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh, nếu như năm 2016, thu nhập bình quân  trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 20,3 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 đạt 27,6 triệu đồng/người/năm.

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025,  toàn tỉnh có 96 xã thuộc vùng khó khăn được triển khai chương trình vay vốn SXKD.

MAI LINH - KIM HUYÊN