Thứ sáu,  20/09/2024

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

– Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (đề án). Sau hơn 4 năm thực hiện đề án, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 157/KH – UBND, ngày 12/9/2017 “Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Lạng Sơn khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”. Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Được UBND tỉnh giao là cơ quan chủ trì, thực hiện các nội dung của kế hoạch hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hằng năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai trong hệ thống hội. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội khảo sát nhu cầu của chị em, hướng dẫn hội viên xây dựng ý tưởng, kế hoạch khởi sự kinh doanh. Các cấp hội thực hiện nhiều giải pháp thiết thực như: tăng cường tuyên truyền về phát triển kinh tế, khởi nghiệp; tổ chức ngày phụ nữ khởi nghiệp (PNKN); tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực về kinh doanh cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; vận động, hướng dẫn thành lập các mô hình kinh tế tập thể do nữ làm chủ…

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026

Để thu hút phụ nữ tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, từ năm 2018 đến nay, hằng năm, Hội LHPN tỉnh duy trì và tổ chức thành công Ngày PNKN với quy mô và số lượng, chất lượng các ý tưởng ngày càng tăng. Đơn cử năm 2021, toàn tỉnh có 37 ý tưởng tham gia Ngày PNKN cấp tỉnh (tăng 18 ý tưởng so với năm 2018); trong đó có 12 ý tưởng đạt giải tại Ngày PNKN cấp tỉnh (tăng 6 ý tưởng so với năm 2018). Tiêu biểu có ý tưởng Trà diếp cá Lụa Vy của chị Vi Thị Lụa, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đã giành giải “Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” tại Ngày PNKN cấp trung ương, đây là giải cao nhất tại cuộc thi.

Chị Lụa cho biết: Nhờ sự giới thiệu, hỗ trợ của Hội LHPN xã tôi đã tham gia cuộc thi PNKN các cấp. Thông qua Ngày PNKN cấp tỉnh, cấp trung ương, tôi có thêm nhiều kiến thức về kinh doanh, phát triển thương hiệu, giao lưu học hỏi với các doanh nhân, doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để tôi quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua cuộc thi, tôi thêm tự tin, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lợi nhuận kinh doanh trà diếp cá của chúng tôi năm 2021 vẫn đạt trên 500 triệu đồng (tăng 15% so với năm 2020).

Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ tăng cường công tác tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho hội viên. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức hơn 600 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho hơn 28.000 hội viên phụ nữ. Các lớp tập huấn, dậy nghề ngày càng đổi mới, nội dung đáp ứng nhu cầu của hội viên. Đặc biệt, hằng năm, Hội LHPN tỉnh mời các giảng viên, chuyên gia kinh tế của trung ương về giảng dạy trực tiếp tại khóa bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho từ 30 đến 40 học viên. Trong thời gian tập huấn, các học viên nghiên cứu và tìm hiểu các kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đồng thời được trao đổi, thảo luận, trình bày, tư vấn về các ý tưởng khởi nghiệp.

Nhận thấy lợi ích của kinh tế tập thể theo mô hình liên kết, sản xuất theo chuỗi, tham gia sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh. Các cấp hội hỗ trợ phụ nữ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, toàn tỉnh có 65 tổ hợp tác, 14 hợp tác xã có phụ nữ quản lý. Đa phần các mô hình duy trì, hoạt động hiệu quả. Trong đó, nhiều mô hình tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên như: Tổ hợp tác ươm cây giống thôn Văn Miêu, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng; Hợp tác xã Mía đường Hữu Hiệu, xã Cao Minh, huyện Tràng Định; Tổ hợp tác trồng rau sạch thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia…

Ngoài ra, các cấp hội thường xuyên tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh như: nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm do Trung ương Hội LHPN Việt Nam quản lý phân bổ cho Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn với tổng số vốn 850 triệu đồng; từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có hơn 25.000 hộ hội viên được vay hơn 1.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Các nguồn vốn vay được hội viên sử dụng đúng mục đích, góp phần giúp phụ nữ vươn làm thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã giúp đỡ hơn 3.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, hằng năm, các cấp hội thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Cụ thể từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hơn 1.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh (chỉ tiêu hằng năm hỗ trợ từ 120 đến150 hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh). Qua đó, góp phần giúp phụ nữ vươn lên, khẳng định vị thế trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo Kế hoạch 157/KH – UBND của UBND tỉnh ngày 12/9/2017 “Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Lạng Sơn khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025, nội dung thực hiện gồm: tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp (tổ chức Ngày PNKN; hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, tư vấn pháp lý; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp). 

DƯƠNG DUYÊN