Kết quả đạt rất thấp

Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-11-2011, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 là đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân: Ưu tiên trước mắt và đòn bẩy lâu dài
Khu nhà ở xã hội Ecohome (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG HẢI 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, kết quả thực hiện mục tiêu trên mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6%. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sở dĩ kết quả đạt được thấp như vậy vì các doanh nghiệp ít quan tâm tới phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, giá bán thấp phù hợp với khả năng thanh toán của phần lớn người dân đô thị, đặc biệt là ở các đô thị lớn, do thời gian thu hồi vốn lâu và không hấp dẫn về lợi nhuận.

Vì thế, phần lớn người lao động-nhất là công nhân làm việc ở các khu công nghiệp-không có chỗ ở ổn định, phải đi thuê mướn nơi ở trọ với giá thuê chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số tiền lương, thu nhập mỗi tháng. Hậu quả nặng nề của sự thiếu quan tâm này đã phát tác khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động. Làn sóng người lao động ồ ạt rời bỏ các khu đô thị, khu công nghiệp trong thời gian gần đây đã khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phục hồi, phát triển bền vững của kinh tế-xã hội nói chung.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách-đòn bẩy lâu dài

Để thúc đẩy việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, trước mắt, việc nghiên cứu các gói cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ gói tín dụng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động như đã áp dụng tại cuộc “giải cứu” thị trường bất động sản trong cuộc khủng hoảng và suy thoái hồi đầu thập niên trước là rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn có đòn bẩy lâu dài cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động thì phải tính đến việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để bảo đảm tính khả thi và đủ hấp dẫn nhà đầu tư cho lĩnh vực này.

Hiện nay vẫn chưa có chính sách riêng để phát triển nhà ở cho đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp. Luật Nhà ở chưa có quy định về miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở cho công nhân nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp. Điều này dẫn tới các khu nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không được miễn tiền sử dụng đất, làm cho giá cho thuê nhà ở cho công nhân còn cao.

Cùng với đó, để bảo đảm đồng bộ và gắn với trách nhiệm của các nhà đầu tư trong việc bảo đảm nhà ở cho công nhân, người lao động thì rất cần rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định dành quỹ đất cho phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, coi nhà ở cho công nhân là một phần của hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp.

Khoản 2, Điều 16, Luật Nhà ở quy định, tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 3 thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ. Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội thì chủ đầu tư trong trường hợp này phải dành ra 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các quy định hướng dẫn không quy định về thời gian mà chủ đầu tư phải đưa quỹ đất 20% này vào sử dụng, cũng không quy định chủ đầu tư phải bố trí quỹ đất 20% ở vị trí thuận lợi, nên có tình trạng chủ đầu tư dành đất nhưng không đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại những khu vực chưa được đấu nối hạ tầng hoặc chưa được xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng…

Như vậy, để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động, một mặt cần có phản ứng chính sách rất nhanh qua các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển bền vững trước mắt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặt khác cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về lâu về dài.