Thứ sáu,  20/09/2024

Góp phần kích cầu tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô

Kể từ ngày 1-2-2022, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) chính thức có hiệu lực. Việc triển khai thực hiện nghị định này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường

Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% sẽ được áp dụng từ ngày 1-2-2022 đến hết ngày 31-12-2022. Nội dung nghị định nêu rõ giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất…

Góp phần kích cầu tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô
Người dân mua sắm hàng tại siêu thị BRGmart. 

Phạm vi tác động từ các giải pháp hỗ trợ quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP nằm trong nội dung đã báo cáo Quốc hội khi trình Nghị quyết số 43/2022/QH15, theo đó dự kiến sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng (trong đó chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49.400 tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng). Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thu Hằng ở đường Láng, quận Đống Đa, TP Hà Nội cho hay, nhờ việc giảm thuế GTGT nên cơ sở kinh doanh của gia đình chị giảm được chi phí đầu vào khi mua sắm hàng hóa, nguyên vật liệu… Do vậy, gia đình chị có thêm nguồn lực tài chính để khôi phục, mở rộng hoạt động kinh doanh.

Các chuyên gia tài chính nhận định, đây là lần đầu tiên thuế GTGT giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất tới gia công, tiêu dùng. Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc người dân được hưởng lợi từ giảm thuế GTGT góp phần kích cầu tiêu dùng, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục tăng trưởng kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô.

Nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập hóa đơn đáp ứng quy định giảm mức thuế suất thuế GTGT, ngày 27-1-2022, Tổng cục Thuế có thông báo về việc nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử. Theo đó, đối với người nộp thuế đang sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1209/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nâng cấp ứng dụng bổ sung thêm mức thuế suất 8% (tương tự như mức thuế suất 5%, 10%) để người sử dụng lựa chọn khi lập hóa đơn trực tiếp trên hệ thống của cơ quan thuế. Tiếp nhận dữ liệu hóa đơn áp dụng thuế suất 8% đối với hóa đơn không lập trực tiếp trên hệ thống của cơ quan thuế.

Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ, do thời gian ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP sát với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần dẫn đến nội dung của nghị định chưa được người dân, doanh nghiệp tiếp nhận một cách đầy đủ. Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đã ban hành công điện yêu cầu các đồng chí cục trưởng cục thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết, nghị định, trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân, cơ quan thuế các cấp sẽ kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Trường hợp phát hiện hiện tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, cơ quan thuế sẽ tham mưu những biện pháp xử lý với cơ quan có thẩm quyền.

Theo Quandoinhandan