Thứ sáu,  20/09/2024

Đưa nước sạch về nông thôn: Vốn chính sách phát huy tính ưu việt

– Thời gian qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hơn 20 nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện cải tạo, xây mới, nâng cấp công trình nước sạch. Qua đó, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, những năm qua, NHCSXH Chi nhánh tỉnh đã tạo điều kiện để nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện tiếp cận vốn vay ưu đãi xây dựng công trình nước sạch.

Người dân xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng sử dụng nước hợp vệ sinh được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường

Chị Hoàng Thị Niềm, thôn Khòn Chu, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: Những năm trước đây, gia đình tôi thường xuyên sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô. Năm 2019, gia đình làm hồ sơ vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Bình để lắp đặt hệ thống dẫn nước tự chảy và công trình vệ sinh phù hợp. Nhờ đó, gia đình đã có đủ nước sinh hoạt, những dịp gia đình có việc hiếu, việc hỷ hay dịp lễ tết không còn phải đi mua thêm nước đóng bình như trước nữa. Tôi thấy nguồn vốn vay rất hữu ích, thủ tục cho vay nhanh gọn, thuận tiện, lãi suất thấp, phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế của những người nông dân như chúng tôi.

Không chỉ gia đình chị Niềm, thời gian qua, hơn 2.000 người dân trên địa bàn huyện Lộc Bình đã được vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng dư nợ đạt 40,8 tỷ đồng. Các hộ vay đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích để đầu tư xây dựng các công trình như: bể chứa nước, bể lọc…

Ông Triệu Việt Quý, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Phòng giao dịch huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã thành lập 258 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các thành viên trong tổ luôn đồng hành và hỗ trợ nhau trong công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch, cải thiện đời sống sinh hoạt của bà con. Đồng thời, đơn vị đặc biệt chú ý giải ngân vốn nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng. Nguồn vốn vay của ngân hàng đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo hơn 13.900 công trình nước sạch nông thôn.

Cùng với Lộc Bình, những năm qua, các phòng giao dịch NHCSXH trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, triển khai đến các hộ có nhu cầu vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải ngân, doanh số cho vay từ đầu năm 2022 đến nay của chi nhánh đạt 78,9 tỷ đồng với 6.196 lượt hộ vay, nâng tổng dư nợ chương trình lên 374,4 tỷ đồng, tăng 38,5 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021 với 20.698 lượt hộ đang sử dụng vốn.

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, chi nhánh đã chủ động tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể, phù hợp đến từng huyện, thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về mức vay, đối tượng thụ hưởng của chương trình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở, mạng xã hội…

Ngoài ra, hằng năm, chi nhánh phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng ngoài ngành liên quan đến hoạt động của NHCSXH để phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi, kỹ năng quản lý nguồn vốn, kỹ năng kiểm tra giám sát, nâng cao chất lượng ủy thác của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn.

Từ sự nỗ lực của các cấp, ngành và ngân hàng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch. Qua đó, góp phần đẩy nhanh và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương, nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Từ khi triển khai chương trình đến nay, các hộ đã vay vốn đầu tư, xây dựng, tu sửa được 129.574 công trình, trong đó có 60% công trình nước sạch. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5%

 

MAI LINH