Thứ sáu,  20/09/2024

Thành phố Lạng Sơn: Nâng cao thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh

– Hiện nay, trồng hoa, cây cảnh không chỉ được xem là thú vui tao nhã của nhiều người mà còn góp phần tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Gia đình ông Hà Quang Trưởng, khối 7, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn trồng hoa đã hơn 20 năm nay. Với hơn một mẫu đất, ông chủ yếu trồng hoa cúc, đồng tiền, thược dược, lay ơn… Ông Trưởng cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng lúa nhưng nhận thấy một số hộ xung quanh có thu nhập cao từ việc trồng hoa nên tôi cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa. Nhờ việc tìm hiểu thông qua sách, báo và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa do Hội Nông dân (HND) phường phối hợp tổ chức nên tôi có thêm nhiều kiến thức về trồng và chăm sóc hoa. Với thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí giúp gia đình tôi có thêm động lực để gắn bó với nghề.

HVND phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn phát triển kinh tế từ mô hình trồng, chăm sóc cây cảnh

Ngoài ông Trưởng, mô hình trồng cây cảnh của gia đình ông Bùi Trung Thiệp, khối 10, phường Tam Thanh cũng đem lại thu nhập khá cao. Chia sẻ với phóng viên, ông Thiệp cho biết: Xuất phát từ niềm đam mê với các loại cây cảnh nên tôi đã trồng và chăm sóc cây cảnh để vừa thỏa đam mê vừa xuất bán cho khách hàng có nhu cầu để tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí từ nghề trồng, chăm sóc cây cảnh này.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh đang có thu nhập cao tại thành phố Lạng Sơn. Được biết, hiện toàn thành phố có khoảng 100 hộ trồng hoa, cây cảnh và các hộ đều có thu nhập từ 100 đến hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Trong đó, tập trung nhiều ở các khu vực như: phường Tam Thanh, xã Mai Pha, xã Quảng Lạc… Thị trường tiêu thụ của các loại hoa, cây cảnh cũng không chỉ gói gọn trong phạm vi các huyện và thành phố trong tỉnh mà còn vươn xa đến các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương…

Bên cạnh sự chủ động của người dân, để hỗ trợ hội viên, nông dân (HVND) trên địa bàn, thời gian qua, thông qua các hội nghị, sinh hoạt… các cấp HND trên địa bàn thành phố thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động HVND phát triển mô hình trồng hoa, cây cảnh để tăng thu nhập. Đồng thời, hội đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh cho người dân.

Đơn cử từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp HND thành phố đã phối hợp tổ chức 5 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh cho hơn 250 lượt HVND tham gia. Cùng với đó, hội còn hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ nhận ủy thác của HND thành phố đạt trên 36 tỷ đồng/700 hộ vay (trong đó có nhiều hộ vay để trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh). Ngoài ra, hội còn tuyên truyền, vận động các hộ HVND cùng chung sở thích, đam mê với hoa, cây cảnh thành lập hợp tác xã (HTX). Tiêu biểu như đầu năm 2022, hội đã vận động thành lập được HTX Hoa lan Mai Pha, xã Mai Pha gồm 10 thành viên có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc hoa lan. Hiện HTX có hàng nghìn giỏ, chậu lan các loại để đáp ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Có thể thấy, mô hình trồng hoa, cây cảnh là hướng đi hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân thành phố. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên ngày càng nhiều HVND trên địa bàn trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Ông Đoàn Quang Đạt, Chủ tịch HND thành phố cho biết: Thời gian tới, để mô hình trồng hoa, cây cảnh phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, hội tiếp tục tạo điều kiện cho hội viên tham quan, giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phương pháp canh tác tại các địa phương khác. Đồng thời, hội tiếp tục chú trọng việc nhân rộng các mô hình kinh tế về trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho HVND.

LƯƠNG THẢO