Thứ sáu,  20/09/2024

Vụ việc hộ kinh doanh Chợ Đông Kinh đồng loạt nghỉ bán hàng: Cần tạo đồng thuận để cùng phát triển (Kỳ I)

– Sáng 26/9 các hộ kinh doanh tại Chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn đồng loạt đóng quầy, dừng bán hàng; chiều cùng ngày, Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn đã tổ chức cuộc họp với đại diện hơn 100 hộ kinh doanh để xem xét kiến nghị của các hộ đang thuê quầy tại chợ. Tuy nhiên, cuộc họp chưa tạo được sự đồng thuận, từ sáng 27/9 đến 30/9, nhiều hộ kinh doanh tập trung trước trụ sở UBND tỉnh để xin gặp lãnh đạo nhằm đề đạt các nguyện vọng. Ngay sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức họp và ra thông báo kết luận về vụ việc này, qua đó tạo sự đồng thuận chung.

Kỳ I: Chưa tìm được tiếng nói chung

Việc một bên muốn điều chỉnh tăng giá và một bên muốn giữ nguyên giá đã ký hợp đồng từ hơn chục năm qua đã khiến cho công ty và các hộ kinh doanh tại Chợ Đông Kinh chưa thể tìm thấy tiếng nói chung, điều này khiến cho các cuộc đối thoại giữa công ty và các hộ kinh doanh chưa có kết quả cuối cùng.

Thực trạng hoạt động chợ Đông Kinh

Chợ Đông Kinh có bề dày lịch sử, là một trong những chợ nổi tiếng của Lạng Sơn. Trải qua nhiều năm xây dựng, phát triển, đến nay, chợ đã có cơ ngơi khang trang với số lượng lên đến trên 500 quầy hàng.


Các quầy hàng kinh doanh phía trong Chợ Đông Kinh đồng loạt nghỉ bán từ sáng 26/9/2022

Qua nắm bắt từ các kế hoạch, chiến lược kinh doanh của Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn, chúng tôi được biết, mức giá thuê địa điểm kinh doanh tại Chợ Đông Kinh đang thực hiện đã được xây dựng từ năm 2011 và chưa điều chỉnh tăng giá lần nào trong 11 năm qua. Trong khi đó, tình hình kinh tế – xã hội có nhiều thay đổi, giá cả hàng hoá dịch vụ sau hơn 10 năm đã tăng lên khá nhiều, cụ thể như: chỉ số giá tiêu dùng tăng 45-50%; tiền thuê đất cứ 5 năm tăng một lần (năm 2011, tiền thuê đất của chợ Đông Kinh là trên 268 triệu đồng thì đến nay đã tăng lên trên 1,1 tỷ đồng, tăng 412%); tiền lương của người lao động tính theo mức lương tối thiểu vùng của năm 2011 là 1,05 triệu đồng thì nay đã lên 3,64 triệu đồng (tăng 346,7%); các chi phí thường xuyên như điện, nước, xăng dầu đều tăng.

Bà Lê Thị Thu Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn cho biết: Từ thực tế trên cho thấy, mức giá cho thuê mà Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn đang áp dụng không còn phù hợp, không đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, không đủ đề bù đắp chi phí thường xuyên và chi phí cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp, không có vốn để bổ sung cơ sở vật chất nâng cao tiện ích dịch vụ chợ. Vì vậy, công ty đã xây dựng phương án giá mới để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo kế hoạch điều chỉnh tại thông báo 208/TB-CTCPC ngày 12/7/2022 của Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn, khu vực tầng 2, vị trí quầy loại II có giá thuê cũ 166 nghìn đồng/m2/tháng, nay điều chỉnh tăng lên 210 nghìn đồng/m2/tháng; khu vực tầng 3 vị trí loại quầy II có giá thuê cũ 134 nghìn đồng/m2/tháng thì nay tăng lên 161 nghìn đồng/m2/tháng; khu vực sân, loại I quầy trống có giá cũ 127 nghìn đồng/m2/tháng, nay tăng lên 221 nghìn đồng/m2/tháng…

Tiếng nói từ hộ kinh doanh

Nhiều năm trước đây, Chợ Đông Kinh là một trong những địa điểm hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh cũng như Nhân dân trên địa bàn đến mua sắm. Tuy nhiên, sau khoảng hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như xu thế phát triển các loại hình kinh doanh khác thì tình trạng mua bán tại đây diễn ra ảm đạm, việc khách vắng đã khiến cho nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn.


Đại diện hộ kinh doanh ký xác nhận tham gia cuộc họp đối thoại với Ban lãnh đạo công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn chiều 26/9/2022

Bà Phan Thị Kim Phượng, hộ kinh doanh tại chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi có 4 quầy kinh doanh tại chợ, thời gian qua vắng khách nên việc kinh doanh rất khó khăn. Vì vậy, trước thông báo điều chỉnh tăng giá thuê quầy của công ty, khó khăn lại nối tiếp khó khăn, bởi với 4 quầy của tôi trung bình hiện nay giá thuê trên dưới 50 triệu đồng/năm, khi điều chỉnh, giá thuê sẽ tăng lên tới 115 triệu đồng. Giá thuê như vậy quá cao trong khi lượng hàng bán hằng ngày chỉ cầm chừng chứ không hút khách tấp nập như những năm trước đây. Vì vậy, tôi và nhiều hộ kinh doanh tại chợ mong muốn ban lãnh đạo công ty xem xét điều chỉnh giá cho phù hợp với tình hình thực tế kinh doanh hiện nay, nhất là trong thời điểm còn chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19…

Không chỉ có ý kiến bà Phượng, mà các hộ kinh doanh tại chợ Đông Kinh đều có chung mong muốn như vậy, chính vì lẽ đó, ngay khi có thông báo của ban lãnh đạo Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn (thông báo cố 208/TB-CTCPC) ngày 12/7/2022 về việc thực hiện chủ trương điều chỉnh tăng giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ, các hộ kinh doanh đã gửi “tâm thư” cho ban lãnh đạo công ty cũng như gửi đơn “kêu cứu” tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Lạng Sơn. Trong đó, Hội Phụ nữ Chợ Đông Kinh và Chợ Kỳ Lừa đã có đơn kiến nghị gửi Hội đồng Quản trị công ty.

Bà Nguyễn Thị Hoà, Chủ tịch Hội Phụ nữ Chợ Đông Kinh cho biết: Trong đơn kiến nghị của chúng tôi đề nghị Ban lãnh đạo công ty xem xét dừng việc tăng giá hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh đối với các hộ kinh doanh đã và đang có hợp đồng kinh doanh, giữ nguyên mức giá hợp đồng của năm 2022 duy trì trong thời gian 3 năm tiếp theo của hợp đồng…

Ngoài những mong muốn, kiến nghị liên quan đến điều chỉnh tăng giá thuê quầy thì các hộ kinh doanh tại chợ cũng phản ánh một số tồn tại, bất cập trong hoạt động quản lý kinh doanh như: công tác tuyên truyền, công tác phòng cháy chữa cháy; việc lấy lại một số quầy đang kinh doanh tại tầng 2, tầng 3 để đầu tư thang máy; việc các hộ kinh doanh tự bỏ tiền sửa, gia cố lại mái của khu vực dãy nhà tôn phía tây sân chợ Đông Kinh nhưng công ty lại điều chỉnh tăng giá khu vực đó…

Những giải đáp từ công ty

Theo báo cáo của Công ty cổ phần chợ Lạng Sơn, đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua đã gây nhiều khó khăn đến Công ty như: nhiều khách hàng trả quầy khiến doanh thu sụt giảm, phát sinh nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch… Để tháo gỡ khó khăn, công ty đã cơ cấu lại lao động, giảm từ 104 lao động xuống còn 78 lao động; tiết kiệm tối đa các chi phí thường xuyên. Công ty cũng chia sẻ khó khăn với các khách hàng, cụ thể, năm 2020 công ty hỗ trợ hộ kinh doanh trên 642 triệu đồng bằng việc giảm tiền thuê quầy; năm 2021 hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ kinh doanh với số tiền 338 triệu đồng…


Các hộ kinh doanh tham gia cuộc họp với Ban Lãnh đạo công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn để đối thoại giải quyết các kiến nghị của hộ kinh doanh chiều 26/9/2022 

Ông Phan Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn cho biết: Chủ trương tăng giá đã được thông qua từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 nhưng do dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên Ban điều hành công ty đã đề xuất lùi thời gian tăng giá đến năm 2022. Thực hiện các nghị quyết của công ty về thông qua chủ trương điều chỉnh tăng giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại các chợ do công ty quản lý, công ty đã xây dựng phương án điều chỉnh giá theo đúng quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hoá dịch vụ. Mức giá mới cũng nằm trong khung giá do UBND tỉnh quy định tại Quyết định 30/2018/QĐ-UBND ngày 28/2/2018 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ngày 30/6/2022, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản số 177/BC-CTCPC-NĐD gửi UBND tỉnh xin ý kiến về chủ trương điều chỉnh tăng giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại các chợ do công ty quản lý. Phương án giá cũng đã được gửi đến Sở Tài chính, Sở Công thương, UBND thành phố Lạng Sơn qua công văn số 174/BC-CTCPC ngày 19/5/2022, công văn số 178/BC-CTCPC ngày 30/5/2022 và được thông qua tại cuộc họp ngày 2/6/2022 do Sở Tài chính chủ trì.

Để phổ biến, tuyên truyền về phương án tăng giá của công ty, Đảng uỷ công ty đã tổ chức 2 buổi làm việc với Ban Thường vụ Hội Phụ nữ chợ Kỳ Lừa và Ban Chấp hành Hội Phụ nữ chợ Đông Kinh; Ban Điều hành công ty đã gửi văn bản tuyên truyền và tổ chức 11 hội nghị với các tiểu thương tại chợ Đông Kinh và chợ Kỳ Lừa để lắng nghe những chia sẻ của hộ kinh doanh và giải đáp những thắc mắc của khách hàng, đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp cho công ty.

Bà Lê Thị Thu Hường, Giám đốc Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn cho biết: Từ ngày ra thông báo số 208/TB-CTCPC ngày 12/7/2022, công ty đã thực hiện đồng thời các hình thức tuyên truyền như: ban hành văn bản, qua loa truyền thanh, qua zalo và tuyên truyền trực tiếp.

Mặc dù đã có những giải đáp, tuyên truyền nhưng giưa công ty và các tiểu thương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, sáng 26/9/2022, các hộ đang kinh doanh tại Chợ Đông Kinh đã đồng loạt nghỉ bán hàng. Trước thực trạng đó, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn đã tổ chức họp ngay trong buổi chiều 26/9 để giải đáp các kiến nghị và đề nghị các hộ kinh doanh quay trở lại kinh doanh. Sáng 27/9/2022, Hội đồng quản trị công ty đã tổ chức họp để thống nhất phương án giải quyết đối với kiến nghị của các tiểu thương. Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng quản trị đại diện các nhóm cổ đông đều có chung quan điểm là sẽ quan tâm đến kiến nghị của các tiểu thương, nhưng phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ở mức thấp nhất là không lỗ trong năm 2023. Tối 27/9/2022, đại diện thành viên Hội đồng quản trị của công ty tiếp tục đối thoại với các hộ kinh doanh nhưng chưa có kết quả.

(Kỳ II: Sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh)

PHONG LINH