Thứ sáu,  20/09/2024

Thúc đẩy thực thi hệ thống phân loại doanh nghiệp ngành gỗ

Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ là một phần trong Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Đây cũng là một trong những bước quan trọng để EU và Việt Nam đánh giá tiến trình thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) nhằm cải thiện quản trị rừng, thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam.

Chế biến gỗ nguyên liệu nhập khẩu tại Công ty TAVICO (Đồng Nai).
Chế biến gỗ nguyên liệu nhập khẩu tại Công ty TAVICO (Đồng Nai).

Hệ thống phân loại doanh nghiệp (ECS) nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam với trọng tâm là xuất khẩu và chế biến gỗ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam.

Kiểm soát sự tuân thủ pháp luật

Hệ thống ECS có một số khác biệt với Hệ thống phân loại tổ chức (OCS) trong VPA/FLEGT, nhưng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Hiệp định tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đáp ứng tất cả các yêu cầu của OCS, được phân loại 1, thể hiện sự tuân thủ và cam kết của họ đối với chuỗi giá trị sạch.

Đây là những doanh nghiệp tốt có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU cũng như các thị trường lớn khác trên thế giới và sẽ ít bị kiểm tra, xác minh. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc loại 2, là các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam sẽ bị kiểm tra, xác minh chặt chẽ hơn. Đây là điều kiện bắt buộc để đạt được mục tiêu chung chống khai thác, chế biến và kinh doanh gỗ bất hợp pháp.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), sau khi triển khai hệ thống phân loại doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến gỗ, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ mở rộng hệ thống tới tất cả các chủ thể trong chuỗi cung ứng như nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và các đối tượng khác để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các cam kết trong VPA/FLEGT. Với ECS các doanh nghiệp và Việt Nam hy vọng có thể quảng bá hình ảnh, nâng cao giá trị kinh doanh, mở rộng thị phần, khám phá thị trường mới. Đồng thời, ECS giúp giảm bớt khối lượng công việc kiểm tra, xác minh của các cơ quan có thẩm quyền trong tương lai khi Việt Nam có thể cấp giấy phép FLEGT.

Việt Nam và EU đã ký Hiệp định VPA/FLEGT vào năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Đây là một hiệp định thương mại ràng buộc về mặt pháp lý, gắn với Chương 13 của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Thực hiện Điều 69 của Luật Lâm nghiệp sau khi VPA/FLEGT được ký kết, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp. Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 (Nghị định 102) quy định, quản lý gỗ xuất, nhập khẩu, phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, giấy phép FLEGT và đánh giá độc lập.

Ngày 29/12/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT (Thông tư 21) hướng dẫn các cơ quan xác minh và người khai thác gỗ thực hiện hệ thống phân loại doanh nghiệp. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/5/2022. Kể từ đó, Việt Nam bắt đầu áp dụng phân loại dựa trên rủi ro đối với các doanh nghiệp liên quan. Như vậy, doanh nghiệp được phân thành hai nhóm: Tuân thủ và chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Theo đó, quy định cách thức và thông tin doanh nghiệp phải kê khai trong hệ thống phân loại doanh nghiệp cũng như vai trò, nhiệm vụ của cơ quan kiểm lâm và các cơ quan liên quan trong việc xác minh, kiểm tra và phân loại doanh nghiệp.

Thông tư 21 cụ thể hóa các quy định của Nghị định 102. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thể hiện sự tuân thủ một cách có hệ thống. ECS sẽ đánh giá mức độ rủi ro và tuân thủ pháp luật của tất cả các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trong việc đáp ứng các yêu cầu của VNTLAS. Hơn nữa, quy định sẽ giúp các doanh nghiệp bảo đảm tính hợp pháp và giảm bớt các thủ tục hành chính.

Vượt qua thách thức

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Viforest Ngô Sỹ Hoài cho rằng, sẽ có nhiều thách thức và vai trò của các bên liên quan trong việc phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Cơ quan thẩm quyền là các cục kiểm lâm, chi cục kiểm lâm tỉnh, hạt kiểm lâm và các cơ quan khác sẽ phân loại doanh nghiệp. Các tiêu chí phân loại ban hành kèm theo Thông tư 21 và Nghị định 102 liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau và được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Phòng cháy, chữa cháy, đất đai, môi trường, đầu tư kinh doanh, lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, thuế, thương mại, hải quan… Tiêu chí rộng lớn này đòi hỏi việc xây dựng quy chế phối hợp thanh tra, giám sát và việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước phải thông suốt, thống nhất.

Để thực hiện, chi cục kiểm lâm tại nhiều địa phương đã chỉ đạo cơ quan kiểm lâm cơ sở kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ thực hiện theo đúng yêu cầu, tự đánh giá nộp cho chi cục kiểm lâm. Khó khăn, thách thức đặt ra, đây là nhiệm vụ mới cho nên các cơ quan kiểm lâm các địa phương chưa có kinh nghiệm về quy trình và một số cán bộ kiểm lâm chưa được đào tạo về nội dung và thực tiễn của quy định pháp luật liên quan. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kê khai thông tin theo mẫu, vì thế các hiệp hội sẽ trở thành cầu nối quan trọng giữa chi cục kiểm lâm và các doanh nghiệp địa phương trong việc cung cấp thông tin, áp dụng hệ thống trách nhiệm giải trình, hướng dẫn thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phân loại doanh nghiệp.

Để hệ thống phân loại doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vận hành hiệu quả, tránh gây những chồng chéo, ách tắc thủ tục cho các doanh nghiệp, Cục Kiểm lâm cần xây dựng hệ thống kỹ thuật số để doanh nghiệp tự khai báo trực tuyến và tự động hóa một phần việc phân loại của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Ngành lâm nghiệp các địa phương hướng dẫn, tập huấn cho lực lượng kiểm lâm về quy trình, phương pháp thẩm định, kiểm tra thông tin doanh nghiệp kê khai. Hệ thống phân loại doanh nghiệp nên được mở rộng cho nhiều cơ quan, đơn vị tham gia chính theo kế hoạch của Chính phủ.

Do nguồn lực hạn chế, vì vậy trong giai đoạn tới có thể ưu tiên phân loại doanh nghiệp là doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, doanh nghiệp chế biến trực tiếp cung cấp cho đơn vị xuất khẩu, và các đơn vị xuất khẩu vì vai trò kết nối quan trọng của họ trong chuỗi giá trị, giúp giảm lượng gỗ nhập lậu và phù hợp quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm lâm cần cung cấp danh sách các doanh nghiệp được phân loại nhóm 1 cho cơ quan hải quan để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro, bảo đảm việc phân luồng và hỗ trợ xuất khẩu…

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam và EU giờ đã “lên chung một con tàu”, mọi sự chậm trễ đều gây ra sự bất lợi cho cả hai phía. Để sớm có “chuyến tàu” lăn bánh đầu tiên và “thẻ xanh” vào thị trường EU, thực tiễn đang hối thúc cả các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam làm tốt, làm nhanh theo bổn phận và trách nhiệm của mình. Các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần thường xuyên phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các quy định pháp luật để kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.

Cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại. Mặt khác, các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường; thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và các quy định khác có liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản…

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến nay, cả nước đã có hơn 130 doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ nhóm 1. Tỉnh Bình Dương có 69 doanh nghiệp, chiếm 52% tổng số doanh nghiệp, được xếp loại I; tiếp đến là tỉnh Đồng Nai có 30 doanh nghiệp (chiếm 23%); tỉnh Bình Định có 22 doanh nghiệp (chiếm 17%)…

Theo Nhandan