Thứ năm,  19/09/2024

Khởi nghiệp từ bánh lá mơ lông

– Bánh lá mơ lông là một loại bánh độc đáo của người dân sinh sống ở một số khu vực của huyện Văn Lãng nhưng hầu như không có bán trên thị trường. Đầu tư sản xuất loại bánh này là ý tưởng khởi nghiệp tạo việc làm và mang nguồn thu nhập ổn định cho người sản xuất.

Lá mơ lông có vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt. Theo y học cổ truyền, lá mơ lông thường được dùng để chữa các chứng bệnh như: phong thấp, đau nhức, các chứng bệnh về tiêu hóa: đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu; trẻ nhỏ suy dinh dưỡng… Với đặc tính thân leo, dễ trồng, phát triển mạnh, cây mơ lông được người dân trồng quanh nhà để ăn sống, làm gia vị, làm thuốc… Với những công dụng cho sức khỏe, từ xưa người dân một số khu vực trên địa bàn huyện Văn Lãng đã lấy lá mơ lông làm nguyên liệu để tạo ra món bánh độc đáo. Nhận thấy cơ hội khởi nghiệp từ loại bánh này, nhóm giáo viên gồm: Hà Thị Thu Hường, Hoàng Thị Kim, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng đã có ý tưởng khởi nghiệp từ bánh lá mơ lông. Nhóm bắt đầu sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường từ tháng 5/2022.

Nhóm khởi nghiệp gói bánh lá mơ lông

Nguyên liệu để làm bánh lá mơ lông gồm: gạo nếp, lá mơ lông, đường, đỗ xanh, vừng, dừa… Lá mơ lông dùng để làm bánh phải chọn loại lá có màu tía, dày, không quá non cũng không quá già, sau khi sơ chế, rửa sạch thì cho vào xay. Gạo nếp sau khi ngâm với nước cho nở đều thì đem nhào kỹ với lá mơ để làm vỏ bánh. Nhân bánh được chế biến từ đỗ xanh, đường, dừa. Bánh lá mơ được gói trong lá chuối rồi đưa vào hấp chín.

Chị Hà Thị Thu Hường, thành viên nhóm khởi nghiệp cho biết: Để tạo ra chiếc bánh có hương vị thơm ngon, bên cạnh nguyên liệu chính là lá mơ lông thì gạo nếp và đỗ xanh cũng là thành phần quan trọng quyết định chất lượng chiếc bánh. Chính vì vậy, chúng tôi đã chọn gạo nếp cái hoa vàng, một loại nếp truyền thống, dẻo, thơm ngon của huyện Văn Lãng và đỗ xanh do nông dân trên địa bàn huyện gieo trồng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để làm bánh. Điều này không chỉ tạo ra chiếc bánh có hương vị đặc trưng mà còn góp phần tiêu thụ, phát triển các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện. Bánh có màu đen bóng, mùi thơm đặc trưng của lá mơ lông hòa quyện với bột gạo nếp, mịn dẻo, hương vị thanh mát lạ miệng.

Hiện nay, mỗi ngày nhóm sản xuất khoảng 300 chiếc bánh cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán, chi phí cho nguyên liệu và nhân công hết khoảng 1,6 triệu đồng. Với giá bán từ 7.000 đến 10.000 đồng/chiếc, tổng doanh thu đạt khoảng 2,4 triệu đồng, trừ các chi phí thu nhập còn khoảng 800 nghìn đồng. Không chỉ cho ra những chiếc bánh thơm ngon, nhóm còn chú trọng công tác đóng gói, quảng bá sản phẩm. Mỗi chiếc bánh đều được gắn tem nhãn để người tiêu dùng dễ nhận biết và phân biệt với các loại bánh khác trên thị trường. Nhóm cũng đầu tư túi ni lông hút chân không để kéo dài thời gian bảo quản và thuận lợi cho việc vận chuyển, với cách làm này bánh có thể được bảo quản từ 3 đến 7 ngày.

Theo chị Hoàng Thị Kim, thành viên nhóm khởi nghiệp cho hay, trong thời gian tới, nếu sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận, ủng hộ, nhóm sẽ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến với nhà xưởng, máy móc hiện đại như: máy xát, nghiền bột, nhào bột, đầu tư in ấn bao bì sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, mạng xã hội…

Bà Nguyễn Thị Điệp, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Vừa qua, có dịp mua sắm tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung, tôi đã được thưởng thức bánh lá mơ lông. Tôi đã mua hơn chục chiếc về cho cả nhà ăn thử và mọi người đều thích bởi bánh có vị ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng.

Bánh lá mơ lông không chỉ là một món ăn ngon mà còn rất tốt cho người bệnh về đường tiêu hóa như: đại tràng, dạ dày… Tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2022, bánh lá mơ lông là một trong 13 sản phẩm lọt vào chung khảo. Theo Ban giám khảo cuộc thi, bánh lá mơ lông là sản phẩm mới có mặt trên thị trường, đây lại là một loại bánh cổ truyền sử dụng các nguyên liệu sẵn có trên địa bàn tỉnh, chính vì vậy, rất có tiềm năng trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện Văn Lãng và của tỉnh nếu được đầu tư phát triển.

HOÀNG VƯƠNG