Đây là minh chứng rõ rệt cho việc chủ trương phát triển ETC đã đi vào cuộc sống, mang lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng. Một trong 2 đơn vị cung cấp dịch vụ ETC trên cả nước là Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng dịch vụ, tăng thêm tiện ích cho khách hàng, đồng thời sẵn sàng cho việc phát triển hệ thống giao thông thông minh.

Tăng tiện ích với dịch vụ thu phí tự động không dừng
Dịch vụ thu phí không dừng ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam tạo thuận lợi cho phương tiện qua trạm thu phí. Ảnh: TRẦN ĐỨC 

Sau khi triển khai thu phí ETC hoàn toàn trên các tuyến cao tốc và mở rộng ra nhiều tuyến quốc lộ, số phương tiện sử dụng ETC đã tăng lên nhanh chóng. Theo ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC, chỉ trong thời gian ngắn, tỷ lệ phương tiện sử dụng ETC tại Việt Nam tăng từ 50% lên 90%, điều mà tại một số nước phải mất nhiều năm mới đạt được. Đây là con số thể hiện nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan và các nhà cung cấp dịch vụ. Hiện nay, VDTC đang cung cấp dịch vụ ETC tại 39 trạm thu phí. Công tác hậu kiểm và giám sát thu phí ETC được thực hiện tự động hoàn toàn, không cần sử dụng nhân công.

Dịch vụ ETC của VDTC với tên gọi ePass đã liên kết với các ngân hàng, ví điện tử để tạo thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng. Khi khách hàng liên kết tài khoản giao thông để sử dụng ePass với ví điện tử Viettel Money sẽ tự động cảnh báo khi số dư tài khoản ở ngưỡng thấp và đang hướng đến tự động chuyển tiền từ ví điện tử sang tài khoản giao thông. ePass đạt chuẩn quốc gia và quốc tế về an toàn, bảo mật thông tin, hướng tới giải pháp thông minh thanh toán số cho chủ phương tiện. Quy trình dán thẻ thu phí không dừng lên phương tiện đã được chuẩn hóa cùng với sự phối hợp thường xuyên giữa các nhà cung cấp dịch vụ khắc phục cơ bản các lỗi phát sinh, giúp xe qua trạm thu phí thuận lợi.

Vừa qua, một số trường hợp phương tiện qua trạm thu phí ETC nhưng sử dụng biển kiểm soát không đúng với đăng ký hoặc làm sai lệch thông tin biển số dẫn đến phương tiện chính chủ bị trừ tiền trong tài khoản, Công ty VDTC đã hậu kiểm, xác minh chính xác những trường hợp xe không qua trạm thu phí vẫn bị trừ tiền để có giải pháp thỏa đáng. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng cần xử phạt nghiêm khắc những trường hợp sử dụng biển kiểm soát giả, làm sai, khác thông tin biển số, tránh gây bức xúc cho chủ phương tiện.

Một vấn đề khác được đặt ra là hướng tới cho phép khách hàng ứng tiền của ngân hàng để qua trạm thu phí khi số dư tài khoản không đủ hoặc có thể sử dụng dịch vụ trước, thu tiền sau. Đại diện VDTC cho biết, về mặt công nghệ, vấn đề này hoàn toàn thực hiện được. Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng chỉ đóng vai trò là người thu hộ cho chủ đầu tư. Vì vậy, áp dụng hình thức thanh toán như thế nào cần có sự quyết định của chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông.

Trong thời gian tới, mạng lưới đường cao tốc của nước ta tiếp tục được mở rộng, đi liền với đó là yêu cầu phát triển hệ thống thu phí ETC. Đại diện Công ty VDTC khẳng định, hiện nay, đơn vị đáp ứng đủ năng lực về công nghệ cũng như các nguồn lực khác để sẵn sàng triển khai ETC tại các trạm thu phí khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, từ hệ thống ETC có thể tiếp tục phát triển thêm nhiều tính năng để hình thành hệ thống giao thông thông minh. Các giải pháp công nghệ của giao thông thông minh sẽ mang đến nhiều tiện ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông.