Thứ năm,  19/09/2024

Chương trình cho vay tạo việc làm “Cú hích” giúp người lao động vươn lên

– Những năm qua, nguồn vốn cho vay của chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai đã góp phần quan trọng giúp hơn 28.000 lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm. Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, giúp người lao động vươn lên để mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Theo chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm thực hiện theo Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ (quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm), đối tượng vay vốn của chương trình là cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Người dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn sử dụng nguồn vốn chương trình tạo việc làm phát triển mô hình ươm cây giống

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Xác định vốn vay tạo việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, những năm qua, NHCSXH tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đến 200 điểm giao dịch cấp xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn.

Ông Trần Quý Dương, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cao Lộc cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình, ngay từ đầu năm đơn vị đã tham mưu với Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã; phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể các cấp tuyên truyền đến người dân hiểu và biết đến chương trình. Bên cạnh đó, đơn vị luôn chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn huyện rà soát nhu cầu vay vốn để tham mưu, đề xuất với Ban đại diện cấp huyện, NHCSXH tỉnh cấp bổ sung vốn theo nhu cầu thực tế của người dân. Nhờ đó, đến nay dư nợ cho vay chương trình này đạt 33,4 tỷ đồng, tăng 21,6 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021 với 663 hộ còn dư nợ.

Không chỉ Cao Lộc, thời gian qua, nguồn vốn chương trình đã giúp nhiều lao động trên địa bàn tỉnh vươn lên. Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay tạo việc làm đạt trên 383 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021. Tổng số hộ còn dư nợ chương trình này là 7.840 hộ; bình quân số tiền vay gần 48,9 triệu đồng/hộ.

Từ nguồn vốn vay của chương trình, nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập. Anh Trịnh Văn Bách, khối phố Vĩnh Thuận, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình tôi khó khăn, bản thân không có việc làm ổn định, thiếu vốn để phát triển sản xuất. Đầu năm 2022, qua cán bộ Hội Nông dân thị trấn giới thiệu, tôi được cán bộ NHCSXH huyện hướng dẫn vay 50 triệu đồng từ chương trình tạo việc làm để xây dựng chuồng trại chăn nuôi ngựa bạch và lợn rừng. Đến nay, gia đình đã xuất bán được 4 lứa lợn rừng, thu nhập gần 100 triệu đồng; đàn ngựa bạch phát triển tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ được bán.

Cùng với gia đình anh Bách, trong những năm qua, chương trình cho vay tạo việc làm của NHCSXH đã kịp thời hỗ trợ nguồn vốn để người dân đầu tư phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho bản thân, thành viên trong gia đình và nhiều mô hình còn tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Từ khi triển khai đến nay, chương trình đã tạo việc làm cho hơn 28.000 lao động, trong đó, tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã giúp hơn 5.000 lao động được vay vốn để phát triển sản xuất, đây cũng là chương trình cho vay có dư nợ tăng trưởng cao nhất. Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, chăn nuôi, trồng rừng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết thêm: Nhiều năm qua, chương trình này thực sự là “cú hích” giúp các hộ dân vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đây là chương trình có nhu cầu vay vốn lớn, do vậy hằng năm, từ nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang, chi nhánh ưu tiên phân bổ sang cho vay chương trình này. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, nguồn vốn được trung ương phân bổ nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người dân. Để nguồn vốn chương trình được phân bổ đến đúng đối tượng và  phát huy hiệu quả, chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức triển khai, tuyên truyền về chính sách vốn. Đồng thời, chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn rà soát, xác định đối tượng và tổng hợp nhu cầu vay vốn từ cơ sở; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn.

Gia đình anh Vi Hồng Thái, khối 8, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc là một trong những hộ được tiếp cận với vốn vay theo Nghị quyết 11. Anh Thái cho biết: Năm 2020, gia đình tôi mở xưởng sản xuất phân hữu cơ, phân vi sinh để cung cấp cho các nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất của gia đình bị ngừng trệ, thị trường tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Cuối tháng 4/2022, gia đình tôi được tuyền truyền về chương trình cho vay tạo việc làm theo Nghị quyết 11, tôi đã vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để có vốn tái sản xuất (nhập nguyên liệu sản xuất, phân bón), nhờ đó, đến nay gia đình tôi có doanh thu từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 4 lao động.

Thời gian tới, để nguồn vốn chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các sở, ngành liên quan rà soát nhu cầu vay vốn của người dân và giải ngân kịp thời. Qua đó, tạo điều kiện cho các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh

“Để người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi với nguồn vốn vay chương trình tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chỉ đạo phòng LĐTB&XH-Dân tộc các huyện và Phòng LĐTB&XH thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát nhu cầu vay vốn của người dân để xây dựng kế hoạch phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân kịp thời. Ngoài ra, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, sở còn thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, giúp người lao động tìm được công việc phù hợp với khả năng góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sở còn phối hợp với ngân hàng tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của các hộ tại các huyện, thành phố để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy các dự án sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đến nay, nguồn vốn của chương trình mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

HIỂU LAM - TÂN AN